Trong 3 tháng gần đây, một loạt cổ phiếu trên sàn này đã tăng giá trên 100%, cá biệt có cổ phiếu tăng tới 400%, với giao dịch nhỏ giọt.

Từ cổ phiếu bia

3 cổ phiếu bia có mức tăng giá khủng là các mã BHN của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), WSB của CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây và BHP của CTCP Bia Hà Nội - Hải Phòng.

Với BHN, cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ 28/10, mức tăng được ghi nhận sau 7 ngày giao dịch là 222,82% (chốt phiên 7/11/2016 đạt 125.900 đồng/CP). Tốc độ tăng giá khủng của BHN được một số chuyên gia phân tích lý giải là có hai nguyên nhân: Một là mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 39.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều khi mức giá trúng trong phiên IPO của Habeco năm 2008 (thấp nhất là 50.000 đồng/CP, cao nhất là 62.000 đồng/CP); Hai là sự khan hiếm của nguồn cung hàng.

Habeco có cơ cấu cổ đông rất cô đặc, Bộ Công thương và cổ đông lớn Carlsberg hiện đang nắm giữ hơn 99% vốn của Tổng công ty, tức lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường chỉ vào khoảng 2 triệu đơn vị. Thực tế cho thấy, dù giá tăng mạnh song thanh khoản của BHN ở mức rất khiêm tốn: chỉ có hơn 90.000 cổ phiếu được chuyển nhượng từ khi lên sàn.

Nhiều thành viên thị trường đã đặt dấu hỏi về động lực tăng trưởng của cổ phiếu BHN. Diễn biến đáng chú ý nhất của Habeco trong thời gian tới là thông tin về cuộc đàm phán giữa Bộ Công thương và cổ đông chiến lược Carlsberg về kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Cùng với BHN, cổ phiếu BHP của CTCP Bia Hà Nội - Hải Phòng, công ty con của Habeco, cũng tăng giá mạnh trong thời gian qua. Nếu tính trong 3 tháng trở lại đây, BHP là quán quân tăng giá với mức tăng trên 400%, từ mức 5.300 đồng/CP vào đầu tháng 8/2016 lên mức 27.300 đồng khi kết thúc phiên 7/11/2016. Cả năm qua, BHP gần như không có giao dịch, nhưng bất ngờ có hơn 60.000 cổ phiếu được chuyển nhượng trong 1 tuần trở lại đây.

Tăng chậm hơn so với BHN và BHP, với mức tăng giá 100%, nhưng cổ phiếu WSB lại có thanh khoản vượt trội, với hơn 1 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 3 tháng trở lại đây. Chốt phiến 7/11/2016, giá cổ phiếu WSB ở mức 79.300 đồng/CP.

Nói về BHP và WSB, đây là hai cổ phiếu được hưởng lợi từ thông tin công ty mẹ là Habeco và Sabeco lên sàn vào thời điểm cuối năm. Riêng với WSB, kết quả kinh doanh 9 tháng khả quan cũng có thể xem là thông tin hỗ trợ cho diễn biến giá cổ phiếu này. Lũy kế 9 tháng đầu năm, WSB đạt doanh thu thuần 638,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 74,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 11,9% và 5,8% so với cùng kỳ năm trước, thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 4.401 đồng. Trong khi đó, BHP lại không có thông tin nào về hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2016.

Đến một loạt “tân binh” khác

Trong nhóm cổ phiếu tăng phi mã trên UPCoM gần đây, phải kể đến VOC của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Gia nhập UPCoM từ 19/9/2016, với giá chào sàn 13.500 đồng, VOC đã tăng lên mức 38.800 đồng/CP trong phiên 7/11/2016, ghi nhận mức tăng 182,86%. Điểm thú vị của cổ phiếu này là giao dịch khá sôi động, với khoảng 70.000 cổ phiếu được chuyển nhượng mỗi phiên.

Vocarimex có vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng, là doanh nghiệp hàng đầu ngành dầu thực vật với tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhà nước chỉ 36%. Khác với các cổ phiếu trên, VOC có thanh khoản thuộc top đầu tại UPCoM. Diễn biến giá VOC được hỗ trợ bởi thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) đang lên kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này (hiện tại đã nắm 24%) và kết quả kinh doanh 9 tháng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cụ thể, 9 tháng, VOC lãi sau thuế 289,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, nhưng đã hoàn thành vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm mà Đại hội đồng cổ đông giao phó (140 tỷ đồng).

Nhóm các cổ phiếu tăng giá khủng còn có ICC, VHH, VHF, TGP, SPD… Điểm chung của nhóm này là thanh khoản thấp hoặc gần như không có giao dịch (ngoại trừ các giao dịch chuyển nhượng vốn thỏa thuận) và bất ngờ tăng giá thời gian gần đây.

Cũng cần lưu ý thêm, theo quy chế của UPCoM, sau 25 ngày không có giao dịch thì ngày có giao dịch trở lại, biên độ giá được áp dụng là 40%, như phiên chào sàn.

Nhìn chung, trên thị trường UPCoM những năm gần đây, hiện tượng giá cổ phiếu tăng khủng và bất thường là không hiếm. Trưởng bộ phận Phân tích của một CTCK top đầu trên thị trường đánh giá, không loại trừ khả năng có trường hợp doanh nghiệp chủ động “làm giá” cổ phiếu của mình. Điều này có thể xuất phát từ mục đích giữ giá cổ phiếu để thuận lợi trong phát hành tăng vốn, hoặc tránh bị giải chấp khi các ông chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông lớn tại doanh nghiệp đã cầm cố cổ phiếu vay vốn ngân hàng…     

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn