Phiên sáng 19/8: Áp lực chốt lời gia tăng, VN-Index quay đầu giảm điểm

Dù nhận được sự hỗ trợ tích cực từ một số mã lớn như VNM, MSN, giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 665 điểm lúc đầu phiên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời gia tăng tại các mã tăng mạnh trước đó như FPT, BPM, BMI... khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.

Kể từ đầu tuần, thị trường chủ yếu diễn tích lũy trong khoảng hẹp. Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay, VN-Inex bất ngờ tăng khá mạnh ngay từ khi mở cửa, thanh khoản cũng vọt tăng so với mọi khi.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 3,44 điểm (+0,52%) lên 664,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,26 triệu đơn vị, giá trị 118,49 tỷ đồng.

Nguyên nhân VN-Index giao dịch tích cực từ sớm là nhờ 2 mã trụ VNM và MSN đang cùng có sự bứt phá mạnh mẽ.

Với sức cầu mạnh, MSN đã tăng kịch trần lên 67.500 đồng/CP, tương ứng tăng 6,3%. Được biết, ngày 18/8, HĐQT MSN đã thông qua việc mua lại 20 triệu cổ phiếu quỹ. Theo MSN, giá trị giao dịch hiện của cổ phiếu MSN đang được định giá rất thấp so với giá trị thực, cho nên việc mua lại cổ phiếu quỹ là một trong những phương thức hiệu quả sử dụng lượng tiền mặt lớn mà MSN đang nắm giữ, đồng thời thể hiện cam kết của Ban Điều hành MSN về việc gia tăng và tối đa hóa giá trị cho các cổ đông.

Một yếu tố khác giúp cổ phiếu MSN tăng điểm là kết quả kinh doanh đột biến của doanh nghiệp này. Theo BCTC hợp nhất soát xét, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của MSN tăng 84% cùng kỳ 2015, đạt hơn 19.100 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gần 3 lần cùng kỳ 2015, đạt 1.034 tỷ đồng. Theo đó, MSN đã điều chỉnh tăng dự báo cả năm cho lợi nhuận sau thuế và cổ đông thiểu số tăng thêm 25% lên mức 2.400 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 60% so với năm 2015. Số dư tiền hợp nhất của MSN tại ngày 30/6/2016 đạt 12,863 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền, đầu tư ngắn hạn và các tài sản sinh lãi khác).

Trong khi đó, VNM cũng đang tăng 3.300 đồng (2,4%) lên 145.000 đồng/CP. Hôm nay, ngày 19/8 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1/2016 bằng tiền tỷ lệ 40% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 5:1 của VNM.

Ngoài lực đẩy của VNM và MSN, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ khá tích cực từ nhóm cổ phiếu dầu khí, khi các cổ phiếu dầu khí lớn như GAS, PVD, PVS, PVC… đều tăng điểm. Được biết, kết thúc phiên giao dịch thứ Năm, giá dầu thô đã tăng 6 phiên liên tục vượt qua mức 48 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 2 tháng qua.

Thanh khoản thị trường tăng là do dòng tiền đang tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu lớn. Bên cạnh đó, các mã cổ phiếu “ruồi” cũng đang được “hưởng lợi” khi đang có khá nhiều mã đạt sắc tím như HAG, HNG, KSA, OGC, HAI, CLG, KSH, VNH, VOS… trong đó dẫn đầu là HAG với hơn 2,55 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần 1,66 triệu đơn vị.

Áp lực chốt lời cũng đã qua nhanh tại HNG và HAG. Sau 2 phiên giảm sàn, cả 2 mã đã lấy lại mức tăng trần trong phiên sáng nay. DLG cũng đã trở lại được mức tham chiếu.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, áp lực bán đang gia tăng khá mạnh, nhưng VN-Index vẫn đang duy trì được sắc xanh nhờ sự tích cực của MSN và VM, trong khi HNX-Index đã quay đầu giảm điểm, dù nhóm dầu khí khá tích cực.

Dần về cuối phiên, áp lực bán càng gia tăng và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips khiến VN-Index rung lắc mạnh và quay đầu giảm điểm trong ít phút cuối phiên sáng, cho dù vẫn nhận được lực đỡ tốt từ MSN hay VNM. Trong khi đó, đà giảm đã gia tăng trên HNX khi nhóm dầu khí cũng yếu đà.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 19/8, VN-Index giảm 0,26 điểm (-0,04%) về 660,39 điểm với 81 mã tăng và 125 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,39 triệu đơn vị, giá trị gần 1.734 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 4,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 178 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của hơn 3 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 144,36 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,69%) về 83,14 điểm với 57 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,21 triệu đơn vị, giá trị gần 215,7 tỷ đồng. Trong đó giao dịc thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ gần 10 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến nhiều mã bluechips như VIC, BID, STB, PVT, SSI, HPG, HSG, FPT… đồng loạt giảm điểm. Trong đó, HPG giảm 400 đồng về 48.400 đồng/CP và khớp 2,04 triệu đơn vị. HSG giảm 600 đồng về 41.100 đồng/CP và khớp 1,04 triệu đơn vị. BID giảm 300 đồng về 16.400 đồng/CP và khớp 1,13 triệu đơn vị.

Tuy bị kéo lùi qua tham chiếu, song VN-Index cũng không lùi sâu khi MSN, VNM, GAS, PVD vẫn vững.

MSN giữ nguyên sắc tím với 1,43 triệu đơn vị được khớp. Trong khi VNM dù đã giảm bớt sức mạnh khi chỉ còn tăng 2.300 đồng (+1,6%) lên 144.000 đồng/CP, song thanh khoản rất tích cực với 2,48 triệu đơn vị được khớp nhờ cầu nội mạnh mẽ, khi mà khối ngoại bán ra hơn 1 triệu đơn vị.

CII và KBC đứng giá tham chiếu, khớp lệnh đều trên 2 triệu đơn vị.

Trong khi nhóm bluechips yếu đà, thì nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ vẫn tăng tốt nhờ được dòng tiền tập trung mạnh. Các mã HAG, HNG, KSA, OGC, HAI, CLG, KSH, VNH,… vẫn duy trì sắc tím và HAG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 2,6 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần 1,8 triệu đơn vị.

DLG khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 3,9 triệu đơn vị được khớp, nhưng đứng giá tham chiếu 5.300 đồng/CP. CII và KBC cũng đứng tham chiếu, khớp lệnh đều trên 2 triệu đơn vị. FLC khớp 3,27 triệu đơn vị, tăng 1 bước giá lên 5.700 đồng/CP.

Ngược lại, DRH và TNT đang hướng đến phiên giảm sàn thứ 10 và 6 liên tục. Riêng DRH còn dư bán sàn 3,36 triệu đơn vị.

Các mã trong danh sách thoái vốn của SCIC tăng mạnh trước đó như FPT, BMI, BPM... đều bị chốt lời mạnh trong phiên sáng nay và đồng loạt quay đầu giảm giá.

Trên sàn HNX, trụ đỡ chính là nhóm dầu khí chỉ còn PVC và PGS là tăng điểm. Đáng chú ý, PVS bị chốt lời mạnh nên quay đầu giảm tới 700 đồng xuống 21.400 đồng/CP và khớp 1,39 triệu đơn vị.

PVS cũng là mã duy nhất trên HNX có được thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, phần nào thể hiện sức cầu rất yếu của sàn này.

Các mã trụ khác như AAA, ACB, DBC, VND, BVS… cũng đều chìm trong sắc đỏ.

Phiên chiều 19/8: Thêm trụ đỡ, VN-Index tăng điểm cuối tuần

Dù có các mã lớn như VCB, BVH, MSN, VNM và GAS hỗ trợ, nhưng VN-Index vẫn không thể chinh phục được ngưỡng cản 665 điểm trong phiên cuối tuần.

Áp lực bán mạnh cuối phiên sáng khiến VN-Index phải quay đầu giảm điểm, cho dù MSN và VNM vẫn giao dịch tích cực. Đây là 2 “động cơ” chính giúp chỉ số tăng mạnh đầu phiên, đồng thời cũng là “má phanh” hãm bớt đà rơi của VN-Index.

Trong phiên giao dịch chiều, mặc dù thị trường vẫn thiếu tích cực, song với sự trở lại của VCB và BVH, VN-Index có thêm trụ đỡ nên đã hồi phục trở lại, thậm chí còn có thời điểm bật tăng lên mốc 665 điểm.

Tuy nhiên, như phiên sáng, áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh khi chỉ số lên ngưỡng cản này, đẩy VN-Index thoái lui. Về cuối phiên, nhờ sự vững chắc của các mã lớn, VN-Index vẫn đóng cửa với sắc xanh, dù đà tăng không mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 19/8, VN-Index tăng 1,63 điểm (+0,25%) lên 662,28 điểm với 97 mã tăng và 125 mã giảm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,55 điểm (+0,24%) lên 654,42 điểm với 11 mã tăng và 15 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,53 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.819 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 304,76 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của hơn 4,2 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 203,9 tỷ đồng.

Ngược lại, do sức cầu yếu nên HNX-Index chưa thể cải thiện tình hình. Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,73%) về 83,1 điểm với 85 mã tăng và 112 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index giảm 1,78 điểm (-1,15%) về 152,44 điểm với 8 mã tăng và 14 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,24 triệu đơn vị, giá trị 440,26 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,68 triệu đơn vị, giá trị 43,45 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 4,8 triệu cổ phiếu SHS, giá trị 31,68 tỷ đồng.

Trên HOSE, tất cả các mã trụ như MSN, VNM, GAS, BVH và VCB đều tăng điểm, giúp VN-Index lấy lại sắc xanh, dù áp lực thị trường vẫn khá lớn.

MSN vẫn duy trì sắc tím với 2,29 triệu đơn vị được khớp. Tương tự, VNM là mức tăng 1,6% và khớp tới 3,5 triệu đơn vị. Trong khi GAS tăng 4%, BVH tăng 12,6% và VCB tăng 0,9%.

Ngoài ra, KDC, SBT, PVT, PVD… cũng tăng điểm, góp phần hỗ trợ chỉ số. SBT và PVD cùng khớp trên 2 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, khối ngoại mua vào 1,11 triệu đơn vị MSN và bán ra 1,8 triệu đơn vị VNM, 1 triệu đơn vị BID và gần 1 triệu đơn vị VIC.

Bị khối ngoại bán mạnh, VIC, BID cùng giảm điểm, song không mạnh nhờ sức cầu nội khá tốt, với lượng khớp lần lượt 1,15 triệu và 2,02 triệu đơn vị.

Tương tự, HSG và HPG giảm mạnh 900 đồng và 600 đồng, khớp lệnh tương ứng 2,09 triệu và 3,65 triệu đơn vị.

Nhìn chung, sức cầu ở các mã bluechips trong phiên hôm nay là khá tích cực, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chỉ số.

Song không chỉ vậy, nhiều mã thị giá nhỏ như HAG, HNG, KSA, OGC, HAI, CLG, KSH, VNH,… cũng có được lực cầu tốt nên sắc tím được duy trì vững từ đầu đến cuối phiên, thanh khoản cũng rất tích cực.

Các mã có thanh khoản cao khác là DLG, CII, FLC, HQC, HAR, ITA, KBC, HBC… trong đó DLG khớp 6,3 triệu đơn vị, tăng 100 đồng lên 5.400 đồng/CP.

Ngược lại, TTF, DRH và TNT chính thức ghi nhận các phiên giảm sàn thứ 24, 10 và 6 liên tiếp. Trong đó, DRH và TTF có số dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sức cầu quá yếu trong khi áp lực bán mạnh càng khiến nhóm bluechips trên sàn này yếu đà, cho nên đà giảm của HNX-Index bị nới rộng thêm.

PVS giảm mạnh 900 đồng về 21.100 đồng/CP và khớp 2,49 triệu đơn vị. VCG cũng giảm tới  700 đồng về 14.600 đồng/CP và khớp 2,2 triệu đơn vị.

HKB khớp lệnh mạnh nhất sàn với 2,72 triệu đơn vị được khớp và đứng giá tham chiếu 7.800 đồng/CP.

Ngoài 3 mã trên, chỉ có thêm HUT là khớp được hơn 1 triệu đơn vị, song cũng giảm 1 bước giá về 11.100 đồng/CP.

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán       

 

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán