Phiên sáng 23/8: Dừng chốt lời bluechip, VN-Index phục hồi trở lại

Sau áp lực trong phiên đầu tuần mới và nửa đầu phiên sáng nay, lực bán chốt lời ở một số bluechip đã dừng lại, giúp nhiều mã tăng trở lại, kéo VN-Index phục hồi.

Trong phiên đầu tuần, áp lực chốt lời mạnh ở các mã bluechip tăng tốt tuần trước đã khiến VN-Index giảm khá mạnh, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, áp lực này vẫn được duy trì, khiến khi VN-Index mở cửa trong sắc đỏ với số mã giảm lớn gấp hơn 2 lần số mã tăng.

Cụ thể, kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 4,1 điểm (-0,62%), xuống 653,58 điểm với 3,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 51,44 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, số mã có giao dịch tăng lên, nhưng độ rộng vẫn nghiêng về sắc đỏ khi số mã giảm vẫn lớn gấp 2 lần số mã tăng. VN-Index vì thế vẫn chưa thể lấy lại được ngưỡng 655 điểm.

Tuy nhiên, về nửa cuối phiên, áp lực chốt lời giảm xuống, trong dòng tiền túc tắc trở lại, giúp nhiều mã bluechip hồi phục, góp phần kéo VN-Index về sát mức tham chiếu khi chốt phiên sáng nay.

Chốt phiên, VN-Index chỉ còn giảm 0,06 điểm (-0,01%), xuống 657,62 điểm với 85 mã tăng và 94 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,36 triệu đơn vị, giá trị 1.050 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,6 triệu đơn vị, giá trị 131,3 tỷ đồng.

Như đã đề cập, nhiều mã bluechip bị chốt lời trong phiên đầu tuần và nửa đầu phiên sáng nay đã trở lại đà tăng. Chẳng hạn, VNM tăng 1,43%, lên 142.000 đồng với hơn nửa triệu đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 0,2 triệu đơn vị. HSG tăng 1,02%, lên 39.600 đồng với 0,88 triệu đơn vị được khớp, GMD tăng 1,39%, lên 29.200 đồng, FPT tăng 0,24%, DHG tăng 0,52%, CII tăng 1,5%. Ấn tượng nhất là KDC khi tăng 4,05%, lên 36.000 đồng, nhưng thanh khoản cũng không lớn khi chỉ được khớp hơn 0,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, HPG vẫn duy trì đà tăng 0,62% với 1,64 triệu đơn vị được khớp. Nhóm chứng khoán với 2 đại diện là SSI và HCM cũng có sắc xanh trong phiên sáng nay. Trong khi đó, VIC, VCB, CTG, MWG, BID cũng trở lại tham chiếu sau khi giảm đầu phiên.

Ở chiều ngược lại, sau phiên tăng khá tốt hôm qua, GAS đã quay đầu giảm mạnh 2,29% trong phiên sáng nay, xuống 64.000 đồng khi giá dầu thô thế giới giảm tới hơn 3% trong phiên đầu tuần. Tương tự, PVD cũng tiếp tục giảm hơn 2,95%, xuống 26.300 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp.

Sau những phiên gây chú ý, cặp đôi HNG và HAG đã trở lại trạng thái cần bằng và giao dịch lình xình trong phiên sáng nay, giống như nhiều mã thị trường khác. Chốt phiên, HNG tăng nhẹ 1 bước giá, còn HAG đứng ở tham chiếu, thanh khoản thấp hơn nhiều so với các phiên trước.

Trong phiên sáng nay, FLC là mã có thanh khoản tốt nhất trên HOSE với 3,6 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,57%, lên 5.800 đồng.

Trên HNX, dù nhận được sự hỗ trợ từ VCS, VCG, PVI và về sau có cả NTP, nhưng với việc các mã lớn dầu khí như PVS, PVC, PVE giảm giá, HNX-Index cũng đóng cửa trong sắc đỏ sáng nay khi chốt phiên giảm 0,18 điểm (-0,22%), xuống 82,5 điểm với 67 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,47 triệu đơn vị, giá trị 172,64 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch khớp lệnh.

VCS tăng 0,87%, lên 115.400 đồng, VCG tăng 1,43%, lên 14.200 đồng, PVI cũng quay đầu tăng 1,54%, lên 26.400 đồng, NTP cũng bất ngờ đóng cửa trong sắc xanh, ở mức giá cao nhất phiên 72.900 đồng, tăng 0,28%.

Trong khi đó, cổ phiếu “lạ” DPS gây bất ngờ khi dẫn đầu về thanh khoản trên HNX trong phiên sáng nay khi là mã duy nhất có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị trên sàn này.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đang chú ý vào SIC và DRH khi 2 mã này đang có những diễn biến trái ngược nhau.

Cổ phiếu SIC của CTCP Đầu tư - Phát triển Sông Đà trên sàn HNX đã có chuỗi tăng trần 5 phiên liên tiếp trong tuần qua, với mức tăng lên tới 60,5%. Trong tuần qua, cổ phiếu này đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 1:1. Ngoài việc trả cổ tức và thưởng lớn, cổ phiếu SIC tăng mạnh có thể bắt nguồn từ thông tin Công ty chuyển nhượng Nhà máy thủy điện Krông K'mar cho CTCP Đầu tư Anzen với giá 261,26 tỷ đồng. Khoảng tiền này có thể sẽ được hạch toán trong quý III năm nay và khi đó, nhiều khả năng Công ty sẽ có khoản lợi nhuận khủng.

Trong phiên đầu tuần này, SIC tiếp tục tăng trần lên mức 16.000 đồng và tiếp tục lên mức trần 17.600 đồng trong phiên sáng nay. Hiện mức giá này chỉ còn cách mức giá trước ngày khi điều chỉnh hơn 1 phiên trần. Nếu giữ được đà tăng này, nhiều khả năng trong phiên thứ Năm, giá cổ phiếu SIC sẽ vượt qua mức giá trước khi điều chỉnh (19.900 đồng).

Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này rất lẹt đẹt, dưới 100.000 đơn vị/phiên khi bên nắm giữ cổ phiếu không chịu bán ra. Với những nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu này trong phiên tăng trần đầu tiên (15/8) trước ngày điều chỉnh giá đang tỏ ra tiếc rẻ. Trong phiên này, SIC được khớp hơn 823.000 đơn vị, mức lớn nhất kể từ khi lên sàn.

Trong ngày này, nhà đầu tư cá nhân Hoàng Đức Thuận đã mua vào 458.500 cổ phiếu SIC, tỷ lệ 5,73% và trở thành cổ đông lớn của Công ty. Hiện vẫn chưa rõ bên nào bán ra lượng cổ phiếu lớn SIC này.

Việc cổ phiếu này có thanh khoản thấp cũng là điều dễ hiểu, bởi hơn 80% lượng cổ phiếu lưu hành đang nằm trong tay các cổ đông lớn hoặc người nhà lãnh đạo Công ty.

Trong khi SIC liên tục tăng trần với mức tăng ấn tượng, thì DRH trên sàn HOSE vẫn chưa thể chấm dứt chuỗi giảm sàn liên tiếp của mình. Nếu không có gì đột biến, DRH sẽ có phiên giảm sàn thứ 12 liên tiếp trong phiên hôm nay. Hiện mã này đang ở mức giá 16.600 đồng với 60.730 đơn vị được khớp và còn dư bán sàn tới gần 3,4 triệu đơn vị. Sau chuỗi 18 phiên giảm liên tiếp từ 2/8, DRH đã mất gần 70% giá trị.

Phiên giao dịch chiều 23/8: Bluechip lại nổi sóng

Dù dòng tiền không quá mạnh, nhưng vẫn đủ giúp nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh, báo báo một đợt sóng mới của nhóm bluechip.

Trong phiên giao dịch sáng, sau nửa phiên đầu giảm xuống dưới ngưỡng 655 điểm do áp lực chốt lời vẫn được duy trì, VN-Index đã phục hồi dần trong nửa cuối phiên khi áp lực chốt lời ở các mã lớn không còn. Với diễn biến này, nhiều nhà đầu tư dự báo thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều.

Tuy nhiên, bước ào phiên giao dịch chiều, trong 30 phút đầu tiên, diễn biến thị trường vẫn không có nhiều chuyển biến đáng chú ý, dù áp lực chốt lời không còn mạnh, nhưng dòng tiền cũng không quá hào hứng, khiến VN-Index vẫn lình xình dưới tham chiếu. Tuy nhiên, khi thị trường bước vào nửa cuối của phiên giao dịch, đặc biệt trong đợt ATC, với lực mua khá mạnh tại một số mã lớn như VNM, VIC, KDC, HPG, HSG, MWG, VN-Index đã bứt hẳn lên và đóng cửa ở mức điểm cao nhất ngày.

Chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng 1,48 điểm (+0,23%), lên 659,16 điểm với 103 mã tăng và 96 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 108,94 triệu đơn vị, giá trị 2.400,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,11 triệu đơn vị, giá trị 184,6 tỷ đồng.

Tương tự, với sự hỗ trợ của các mã lớn, HNX-Index cũng bứt lên trong nửa cuối phiên và cũng đóng cửa ở mức cao nhất ngày, thậm chí chỉ số này có mức tăng tốt hơn VN-Index.

Cụ thể, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,52%), lên 83,11 điểm với 107 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29 triệu đơn vị, giá trị 364,95 tỷ đồng và đến chủ yếu từ giao dịch khớp lệnh.

Ấn tượng trong phiên chiều nay chính là sự trở lại ngoạn mục của KDC khi cổ phiếu này tiến thẳng lên mức giá trần 37.000 đồng và chốt phiên còn dư mua sàn. Tuy nhiên, thanh khoản không tốt lắm khi tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 0,74 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng chiếm hơn 24%. Biên độ dao động của KDC trong phiên hôm nay là 9,8% (mức thấp nhất là 33.900 đồng và cao nhất là mức trần 37.000 đồng).

Trong khi KDC trở lại một phần nhờ lực cầu ngoại, thì tại VIC, có nhiều phiên mỗi khi khối ngoại bán ròng mạnh, cổ phiếu này lại tăng tốt và phiên hôm nay là phiên như vậy.

Mở cửa trong sắc đỏ, cổ phiếu này lình xình và nỗ lực lắm cũng chỉ về được tham chiếu trong phiên giao dịch sáng. Tuy nhiên, trong phiên chiều, khi lực cầu ngoại gia tăng, cổ phiếu này lại bất ngờ bật tăng mạnh mẽ. Chốt phiên, VIC đứng lên mức giá cao nhất ngày 48.500 đồng, tăng 3,41% với 1,69 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại bán ròng tới hơn 1,23 triệu đơn vị.

Ngoài KDC và VIC, thị trường hôm nay cũng chứng khoán sự trở lại mạnh mẽ của VNM sau khi điều chỉnh do áp lực chốt lời trong phiên hôm qua. Cụ thể, chốt phiên, VNM tăng 2,14%, lên 143.000 đồng, cũng là mức giá cao nhất ngày của mã này với tổng khớp trên 1 triệu đơn vị và mã này tiếp tục bị khối ngoại bán ròng 159.300 đơn vị. Đây nhiều khả năng là lực chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài sau chuỗi tăng mạnh của VNM thời gian qua.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự khởi sắc trở lại của nhóm cổ phiếu thép, trong đó HSG tăng 2,55%, lên mức cao nhất ngày 40.200 đồng với 1,72 triệu đơn vị được khớp. HPG tăng 1,65%, lên 49.300 đồng với 3,52 triệu đơn vị được khớp và cũng là mức giá cao nhất ngày của mã này. Các mã ngành thép khác như NKG, VIS, POM cũng đều đóng cửa trong sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất trong nhóm này là NKG với mức tăng 4,39%, lên 33.300 đồng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì mức giảm nhe phiên sáng, với PVD giảm 2,95% và GAS giảm 3,05%. Cả 2 đều bị khối ngoại bán ròng khá manh, trong đó PVD bị bán ròng 1,4 triệu đơn vị và GAS là gần hơn 148.000 đơn vị. MSN sau khi trở lại tham chiếu khi chốt phiên sáng, đã trở lại đà giảm trong phiên chiều này. Chốt phiên, mã này giảm 3,08%, xuống 63.000 đồng và cũng bị khối ngoại bán ròng hơn 110.000 đơn vị.

Nhóm ngân hàng cũng đa số đóng cửa trong sắc đỏ (4 mã), nhưng chỉ giảm 1 bước giá, 2 mã còn lại đứng ở tham chiếu là BID và MBB.

TTF tiếp tục được nhà đầu tư đua nhau mua vào, nhưng khác với phiên hôm qua, phiên hôm nay cung đã cạn kiệt, khiến mã này chỉ được khớp chưa tới 100.000 đơn vị và còn dư mua giá trần 9.200 đồng gần 1,34 triệu đơn vị. Trong khi đó, DRH chính thức có phiên giảm sàn thứ 12 liên tiếp khi đóng cửa ở mức 16.600 đồng.

Trên HNX, nhiều mã bluechip cũng đã trở lại. Ngoài VCS, VGC, phiên chiều có có sự trở lại của PVS nhờ lực cầu ngoại, ACB và AAA.

Về thanh khoản, DPS vẫn là mã có tổng khớp lớn nhất với 2,4 triệu đơn vị, đứng ở mức tham chiếu 6.800 đồng, tiếp sau là PVS, VCG, HUT và cả 3 điều đóng cửa trong sắc xanh, dù có lúc HUT đã bị kéo xuống mức sàn 9.900 đồng. Cụ thể, PVS tăng 0,9%, lên 21.900 đồng, VCG tăng 5%, lên 14.700 đồng, HUT tăng 0,91%, lên 11.100 đồng.  

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán

 

 

Nguồn: Tin nhanh chứng khoán