Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác.
Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.
Thông tin được đưa ra tại báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, được công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Bộ, sáng 28/12/2019.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020.
Như vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động. Việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.
"Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G", báo cáo của Bộ nhấn mạnh.
Ngoài thông tin tắt mạng 2G, một số thông tin đáng chú ý khác trong lĩnh vực viễn thông cũng được Bộ đề cập, như đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone) và Bộ chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
Trong lĩnh vực chuyển mạng giữ nguyên số (MNP), sau hơn một năm triển khai, đã có hơn 1 triệu thuê bao đã chuyển mạng thành công (đạt tỷ lệ hơn 82%). Tỷ lệ chuyển mạng thành công đã tăng đáng kể so với thời điểm ban đầu triển khai dịch vụ này (tỷ lệ thành công <50%). Số lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng chiếm gần 0,85% tổng số thuê bao di động đang phát sinh lưu lượng.
Về vấn đề SIM rác, tin nhắn rác, theo báo cáo, thời điểm hiện chỉ còn khoảng 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (chiếm <5% tổng số thuê bao đang hoạt động và giảm 17 triệu so với thời điểm tháng 10/2018). Số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm trên 90%.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho nghiên cứu, đề xuất triển khai ứng dụng Tiền điện tử trên thuê bao di động. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng thành đề án thí điểm và trình Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Vneconomy.vn