Ngày nay, Internet đã trở thành phương tiện giúp việc truyền đạt, trao đổi thông tin, hợp tác, giao lưu… giữa mọi cá nhân, tổ chức và quốc gia trên khắp thế giới, bất chấp khoảng cách về không gian hay địa lý, diễn ra nhanh chóng và thuận tiện. Hiện có đến hàng tỷ thiết bị kết nối Internet trên khắp toàn cầu và mỗi ngày cũng có hàng tỷ người truy cập Internet, vào các trang mạng xã hội để cập nhật thông tin.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, cùng với sự phát triển không ngừng của các ứng dụng và những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại, thực tế đã nảy sinh nhiều hiện tượng đáng lo ngại như vấn nạn tin tặc, đánh cắp dữ liệu, lạm dụng thông tin, các lực lượng phiến quân hay khủng bố hoạt động trên không gian mạng, các mạng lưới gián điệp mạng… và nguy hiểm, nghiêm trọng hơn là một thách thức mới được đặt ra trong kỷ nguyên số là chiến tranh mạng.
Theo chuyên gia an ninh Mohamed Abdel Wahed, về lý thuyết, chiến tranh thông tin là việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao trong các mặt hoạt động chỉ huy - quản lý, tình báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội,...; là một loại hình tác chiến phổ biến trong chiến tranh hiện đại;
Đó là tổng hợp những hoạt động và biện pháp như tung tin giả, thông tin sai lệch nhằm vào cá nhân hoặc tổ chức với mục đích gây rối loạn trật tự xã hội, tác động vào các cơ cấu ra quyết định; nhằm làm cho đối phương có các hành động sai lầm hay có các quyết định vô hại có lợi cho phía mình, đồng thời ngăn cản hoạt động thu thập, xử lý thông tin của đối phương.
Mục đích của chiến tranh mạng là kiểm soát, điều khiển, tác động lên các quyết định và làm suy giảm hoặc phá huỷ các hệ thống mạng - viễn thông của đối phương trong khi bảo vệ các hệ thống của mình và đồng minh chống lại những hành động như vậy.
Mục tiêu tấn công của chiến tranh mạng là các cơ sở hạ tầng thông tin (quân sự, tài chính, ngân hàng, mạng máy tính quốc gia,...). Virus máy tính có thể làm cho hệ thống vũ khí của đối phương bị mất điều khiển, và cũng có thể phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế của quốc gia, làm rối loạn hoạt động của nền kinh tế, hay làm tắc nghẽn mạng thông tin.
Tin tặc được đánh giá là thành phần chủ lực cũng như nguy hiểm nhất trong chiến tranh mạng. Các tin tặc tập trung vào việc đánh cắp các bí mật quân sự; sử dụng virus tấn công các hệ thống máy tính làm cho hệ thống này bị tê liệt hoặc không thể hoạt động bình thường.
Chuyên gia Abdel Wahed đã chỉ ra rằng những công cụ, cách thức nêu trên thường xuyên được sử dụng để phục vụ cho các mục đích của các bên hay thế lực chủ trương can thiệp vào tình hình của nước khác. Có thể thấy, sử dụng những cách thức này ít tốn kém hơn việc can thiệp bằng các biện pháp quân sự và cũng ít bị chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì chúng thường ít khi có thể xác định được thủ phạm hay đối tượng tấn công.
Theo ông Abdel Wahed, trong thế giới ngày nay, các cuộc xung đột cũng đang chuyển hướng sang chiến tranh mạng, loại hình vốn dựa vào công nghệ thông tin hiện đại thay vì các loại vũ khí thông thường. Vì lý do an ninh, chính phủ của nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực đầu tư và phát triển các công nghệ để kiểm soát các dòng chảy thông tin trên không gian mạng, không chỉ ở những khu vực của họ mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Các cơ quan tình báo trên thế giới đã ngày càng trở nên cảnh giác trước những hiểm họa từ chiến tranh mạng. Đối thủ thường xuyên sử dụng những công cụ này để thu thập những thông tin mật liên quan đến các tổ chức hoặc cá nhân. Những thông tin, hình ảnh liên quan tới các nhà lãnh đạo hay chính trị gia thường xuyên là mục tiêu được nhắm tới.
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm thu thập dữ liệu với số lượng lớn thông tin có thể được phân tích và xử lý hiện đang là phương thức phổ biến mà nhiều tổ chức tình báo trên thế giới áp dụng. Đáng lo ngại hơn khi những công cụ này được triển khai trong chiến tranh mạng, những thông tin bí mật nhà nước hay những thông tin nhạy cảm có thể được sử dụng để gây ra những rối loạn chính trị hoặc lái dư luận đi theo một hướng nào đó có chủ ý.
Nguồn: TTXVN