Chris Graham - Giám đốc phụ trách lĩnh vực khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Wood Mackenzie cho rằng, trong tình huống tồi tệ nhất, Trung Quốc có thể dùng đến dự trữ dầu chiến lược (lần đầu tiên từ khi họ bắt đầu tích trữ cách đây 4 năm). Cạnh đó, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể có động thái tương tự.
Theo Chris Graham, cả hai nước này đều có kho dự trữ dầu - khí khẩn cấp đủ dùng trong 90 ngày. Trong chính sách của Nhật Bản - quốc gia này có thể tăng tốc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân để bù lại lượng dầu mỏ - khí đốt nhập khẩu thiếu hụt trong trường hợp có xung đột.
Với Trung Quốc, hoạt động khai thác dầu mỏ trong nước có thể là một "bộ đệm" tốt. Tuy nhiên, việc các cơ sở sản xuất dầu - khí chính nằm sát biên giới Triều Tiên vẫn có thể gặp rủi ro cao. Do vậy, trên 50% sản lượng dầu của Trung Quốc sẽ bị đe dọa nếu xung đột quân sự xẩy ra.
Báo cáo của Wood Mackenzie cũng cho biết: Khoảng 1,5 triệu trong số 3,95 triệu thùng dầu sản xuất tại Trung Quốc mỗi ngày đến từ vùng Hoa Bắc. Mỏ gần nhất ở đây nằm cách biên giới với Triều Tiên chỉ 200km. Còn lại 0,8 triệu thùng nữa là từ mỏ Songliao, cách biên giới 400km.
Theo Wood Mackenzie, thị trường dầu thế giới được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xung đột trong khu vực diễn ra, bởi có tới 65% hoạt động lọc dầu được xây dựng tại châu Á. Cạnh đó, hoạt động tích trữ chiến lược của các quốc gia trong khu vực và chi phí logistics tăng có thể đẩy giá dầu lên trong ngắn hạn.

Nguồn: Tạp chí Năng lượng Việt Nam