“Phát triển ngành Than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - là quan điểm chủ đạo trong Quyết định 403/QĐ-TTg của Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, được Bộ Công Thương công bố hôm 31/8/2016.

Theo đó, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 403/QĐ-TTg yêu cầu, bên cạnh nhiệm vụ khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia... thì ngành Than phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, đảm bảo việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Chính phủ cũng yêu cầu, ngành Than phải quản lý bằng kế hoạch, các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển bền vững của ngành; việc sản xuất, tiêu thụ than phải đảm bảo tính bền vững, đáp ứng lâu dài cho nhu cầu sử dụng trong nước...

Đặc biệt, Quyết định 403/QĐ-TTg của Chính phủ yêu cầu, ngành Than phải phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước...) kết hợp với hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than. Song song đó là các giải pháp kỹ thuật và quản lý tiên tiến để giảm tỉ lệ tổn thất tài nguyên, gắn với công tác bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái để không chỉ phát triển ngành Than mà phải hài hòa với việc phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa... vùng than.

Trong công tác thăm dò trữ lượng tài nguyên, Chính phủ yêu cầu, đến năm 2020, ngành Than Việt Nam phải hoàn thành công tác thăm dò đến mức từ (âm) – 300m và hơn, đảm bảo độ tin cậy về trữ lượng tài nguyên than đưa vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2025.  

Với bể than sông Hồng, Chính phủ nêu rõ, trước năm 2020 phải hoàn thành công tác thăm dò tại khu vực tỉnh Nam Định và một phần mỏ Nam Phú II (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) để có cơ sở lập và thực hiện dự án thử nghiêm khai thác.

Quyết định 403/QĐ-TTg của Chính phủ không thay đổi về sản lượng than thương phẩm (so với Quyết định 60/TTg trước đó). Cụ thể, trong năm 2016, sản lượng than thương phẩm phải đạt từ 41-44 triệu tấn, tăng lên 51-55 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.

Tuy nhiên, Chỉnh phủ cũng lưu ý: “Sản lượng than thương phẩm toàn ngành (gồm cả than xuất và nhập khẩu) có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn nhằm đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế”.

Quyết định 403/QĐ-TTg của Chính phủ cũng đưa ra những định hướng cụ thể trong công tác xuất, nhập khẩu than; quy hoạch các cảng xuất, nhập khẩu than; công tác vận tải than; quy định về đóng của mỏ than...

Đặc biệt, Quyết định 403/QĐ-TTg của Chính phủ chỉ rõ, nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Quy hoạch điều chỉnh này đến năm 2030 cho toàn ngành Than là trên 269 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 18 nghìn tỷ đồng/năm. Đồng thời, phân công chi tiết nhiệm vụ đối với các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố và các tập đoàn Nhà nước có liên quan, Tổng công ty Đông Bắc trong việc tổ chức và thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than.

Nguồn:  Hoàng Duân/Báo Công Thương điện tử