Nhu cầu và áp lực
Phát biểu tại Hội thảo “Năng lượng bền vững - hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp” diễn ra cuối tháng 8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhu cầu năng lượng của VN đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5% (giai đoạn 2006-2010 là 13%, khoảng 11% giai đoạn 2011-2016) và dự báo tiếp tục tăng cao trong 15 năm tới. Tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc năm 2015 đạt khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến 2020, tầm nhìn 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050. Để đảm bảo an ninh năng lượng, VN hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. Dự kiến năm 2020 sẽ nhập khẩu 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện. Riêng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện bình quân khoảng 7,9 tỷ USD/năm.
Tăng trưởng kinh tế nhanh, gắn liền với sự gia tăng về nhu cầu năng lượng không chỉ tạo sức ép cho nền kinh tế VN về vốn đầu tư cho ngành năng lượng, mà còn vấn đề môi trường và dư luận xã hội. Phân tích của chuyên gia đã chỉ ra rằng, VN phải đối mặt với 4 thách thức lớn cho ngành năng lượng là làm thế nào để cung cấp năng lượng tin cậy, đảm bảo hiệu quả kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giải pháp cụ thể
Để đảm bảo mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, cũng như giải quyết những thách thức, ông Tăng Thế Hùng - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - chia sẻ, Bộ đã đưa ra các giải pháp đồng bộ cụ thể như tiếp tục nâng cấp hạ tầng năng lượng; xây dựng kho chiến lược dự trữ xăng dầu; đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên; đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo. Đồng thời, ban hành chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tái cơ cấu các ngành năng lượng phù hợp với thị trường cạnh tranh; áp dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ môi trường; đưa ra chính sách từ khuyến khích, bắt buộc đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm.
Theo ông Armin Bruck - Chủ tịch, Tổng giám đốc khu vực của Tập đoàn Siemens, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vấn đề kỹ thuật hoàn toàn có thể giải quyết nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng; đồng thời giải quyết nhu cầu về khí hậu, giảm thiểu phát thải các-bon. Trên thực tế, có nhiều công nghệ tiên tiến của Siemens được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những giải pháp kỹ thuật, yếu tố quan trọng nhất là tháo gỡ nút thắt về giá năng lượng để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cần tính toán hợp lý về thời gian và có lộ trình để không ảnh hưởng đến cả nền kinh tế - xã hội.
Cùng quan điểm này, ông Wolfgang Manig - Đại biện lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam - cho rằng, giá năng lượng ở Việt Nam còn rất thấp nên không thể thu hút các nhà đầu tư.
Ông Wolfgang Manig - Đại diện lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam: Nỗ lực chung của thế giới và Việt Nam là giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường cho tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cần có giải pháp thuyết phục dân chúng để có được giá năng lượng hợp lý.
Nguồn: Nguyên Vũ/Báo Công Thương điện tử