Tạo động lực phát triển
Trong tiến trình phát triển kinh tế sau hơn 30 năm đổi mới, các thủy điện lớn, nhỏ ở Việt Nam đã có những đóng góp lớn và là 1 trong 3 nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng còn khó khăn như Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên. Sản xuất điện đóng góp 30 - 40% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Một lợi ích khác mà thủy điện mang lại là bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Lượng khí nhà kính mà thủy điện thải ra nhỏ hơn 10 lần so với các nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp và nhỏ hơn 25 lần so với các nhà máy nhiệt điện than. Nếu tiềm năng thủy điện thực tế còn lại được sử dụng thay cho các nhà máy nhiệt điện đốt nhiên liệu hóa thạch thì hàng năm có thể tránh được 7 tỷ tấn khí thải.
Bên cạnh đó, thủy điện của EVN đã làm tốt công tác vận hành liên hồ chứa, góp phần cắt, giảm lũ cho vùng hạ du mùa mưa bão; cung cấp nước tưới, sinh hoạt cho người dân vùng hạ lưu. Chỉ riêng 3 hồ Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã cấp hàng tỷ m3 nước phục vụ tưới cho hơn 600.000ha đất nông nghiệp của Đồng bằng Bắc bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Các hồ thủy điện của EVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Đa Nhim, Ialy, Sông Tranh, Sông Bung, Đồng Nai... cũng điều tiết hàng tỷ m3 nước cho sản xuất lúa, hoa màu, cây công nghiệp cà phê, cacao..., gần đây là chống hạn, đẩy mặn cho khu vực hạ lưu.
Thủy điện có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế địa phương. Đơn cử như Thủy điện Hòa Bình đã nộp ngân sách đạt 900 - 1.200 tỷ đồng/năm, xấp xỉ 50% tổng thu ngân sách của tỉnh Hòa Bình; Thủy điện Sơn La đóng góp trên 1.000 tỷ đồng; Thủy điện Lai Châu, chỉ tính riêng năm 2016 đã đóng góp 474,352 tỷ đồng, nộp Quỹ Dịch vụ môi trường rừng 184,75 tỷ đồng. Tương tự, các thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở khu vực miền Trung cũng đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Thành Công - Bí thư Huyện ủy Mường La (tỉnh Sơn La) - một trong những địa phương được hưởng lợi từ thủy điện - chia sẻ, các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn huyện khi đi vào hoạt động trong thời gian qua đã đóng góp tích cực tăng thu ngân sách huyện (năm 2016 thu 88,6 tỷ đồng, bằng 70,8% tổng thu ngân sách; 8 tháng đầu năm 2017 thu 50,8 tỷ đồng, bằng 55% tổng thu ngân sách).
Khẳng định vai trò của thủy điện trong phát triển năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, đối với thủy điện, mục tiêu đến năm 2020 đạt tổng công suất lắp đặt 21.600MW, năm 2025 đạt 24.600MW và đến năm 2030 đạt 27.800MW. Hiện nay, hầu hết các dòng sông, suối đã được nghiên cứu quy hoạch với 824 dự án thủy điện có tổng công suất 24.778MW, bằng 95,3% tiềm năng khả thi nêu trên.

 

“Các nhà máy thủy điện đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016 đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; 8 tháng đầu năm đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống), điều tiết hợp lý giá điện; tạo nhiều công việc và tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp phần lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Hướng tới an toàn, hiệu quả
Sự hiện diện của các công trình thủy điện cũng mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư, thúc đẩy sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, kết nối giao thương, văn hóa; phát triển thủy sản, du lịch...
Để tập trung giải pháp phát triển bền vững các dự án thủy điện vừa và nhỏ, năm 2016, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) và các tỉnh vùng phụ cận (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước) tiếp tục rà soát, đánh giá chính xác về thủy điện, bao gồm cả các dự án đang vận hành, đầu tư xây dựng hoặc nghiên cứu đầu tư. Kiên quyết không đưa vào quy hoạch các dự án chiếm đất quá nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), để bảo đảm vận hành an toàn các hồ, đập thủy điện vừa và nhỏ, Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng, chống lụt bão, quy trình bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị vận hành trên tuyến đập, nhất là các nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện theo đúng yêu cầu đã được nêu trong Nghị quyết 62 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đặc biệt, đối với các dự án thủy điện thuộc khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Trung Trung bộ, kiên quyết loại bỏ dự án ảnh hưởng đến đất rừng. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện và tuân thủ quy định của pháp luật như: Bảo đảm an toàn đập, môi trường, quản lý chất lượng công trình chặt chẽ từ khâu thiết kế, giám sát, thi công, đặc biệt đối với dự án do tư nhân làm chủ đầu tư; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, cam kết bảo đảm môi trường... theo quy định.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn điện, dù tỷ trọng thủy điện nói chung và của EVN nói riêng trong cơ cấu nguồn ngày càng giảm, nhưng sản lượng từ thủy điện luôn ổn định và tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Lan Anh/Báo Công Thương điện tử