1. Ban hành Nghị quyết về phát triển đồng bộ dịch vụ logistics
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Nghị quyết khẳng định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dịch vụ logistics cũng sẽ được phát triển thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
2. Chính thức giao Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics
Tại Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics. 
Bên cạnh việc quy định rõ ràng, thống nhất về cơ quan đầu mối chung về dịch vụ logistics, điều này một lần nữa khẳng định vị trí của logistics như một ngành dịch vụ có vai trò không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. 
3. Khởi động dự án xây dựng Chỉ số Cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) 
Lễ Khởi động Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh (Logistics Competitiveness Index - LCI) Việt Nam 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/8/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh Logistics cấp tỉnh là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam.
Chỉ số LCI sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các địa phương của Việt Nam, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất xuất khẩu, và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả góp phần giúp Việt Nam phát triển.
4. Việt Nam giành quyền đăng cai Đại hội FIATA năm 2025
Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) họp tại Busan (Hàn Quốc) trong các ngày 15-16/9/2022 đã nhất trí chọn Việt Nam là nơi đăng cai Đại hội FIATA năm 2025.
Đây là một vinh dự to lớn với ngành dịch vụ logistics Việt Nam, và cũng là dịp thể hiện vị trí của Việt Nam trên bản đồ logistics thế giới. Với một loạt chương trình nghị sự phong phú cùng triển lãm, Đại hội FIATA hàng năm thu hút khoảng 3.000 đại biểu, gồm đại diện các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực logistics, đại diện các Hiệp hội thành viên FIATA, doanh nghiệp trong ngành giao nhận, vận tải, dịch vụ logistics toàn cầu.
5. Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải trong giao thông vận tải
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022 ban hành Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải các-bon và mê-tan trong giao thông vận tải đến năm 2050, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng xanh để không phát thải vào năm 2050, trong đó chuyển đổi năng lượng được coi là cơ hội để ngành giao thông vận tải phát triển bền vững, bắt kịp xu thế phát triển tiên tiến và phát triển toàn cầu. Theo đó, các phương tiện chạy bằng nhiên liệu diesel sẽ dần được thay thế chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050.
6. Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 được tổ chức trong hai ngày 25-26/11/2022 với chủ đề "Logistics xanh", do đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì. Đây là Diễn đàn lần thứ 10 được tổ chức với sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp.
Ngoài Phiên toàn thể, Diễn đàn còn bao gồm các hoạt động khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, các hội thảo chuyên đề. Các hoạt động giao lưu, kết nối bên lề Diễn đàn giúp các doanh nghiệp mở rộng quan hệ và cơ hội kinh doanh.
7. Miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng
Sau một thời gian triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, từ ngày 1/8/2022, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 50% mức phí với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa. Miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy. Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM hay ngoài thành phố điều chỉnh cùng một mức thu.
Sau đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã quyết định giảm 50% mức thu phí đối với hàng hóa của đối tượng nộp phí khi vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy ở khu vực Hải Phòng.
Đây là những động thái tích cực, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp của các địa phương có cơ sở hạ tầng trọng yếu đối với ngành logistics của đất nước, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
8. Thành lập Hiệp hội Logistics Hà Nội
Hiệp hội Logistics Hà Nội tổ chức Đại hội thành lập vào ngày 12/11/2022. Là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước, hoạt động dịch vụ logistics tại Thủ đô trong thời gian vừa qua phát triển rất sôi động, với số lượng doanh nghiệp khá nhiều.
Tiếp sau Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội là địa phương thứ tư có Hiệp hội Logistics. Các Hiệp hội địa phương có sự phối hợp, hợp tác, hỗ trợ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam trong liên kết doanh nghiệp, tư vấn và phản biện chính sách, tạo sức mạnh chung của cộng đồng doanh nghiệp logistics.
9. Diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics nông sản Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long hiện là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu.
Việc xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn.
Tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 đạt mức kỷ lục 733 triệu tấn, tăng trưởng 4%, góp phần đảm bảo hàng hóa lưu thông trên thị trường trong nước và hoạt động xuất nhập khẩu.
 

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu