Theo đại diện Sở Công Thương Cà Mau, những năm qua, tỉnh đã từng bước hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khuyến công phù hợp với thực tế nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Quy mô, chất lượng các đề án khuyến công được nâng cao và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (trung tâm) thực hiện 24 nhiệm vụ, đề án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, đơn vị thực hiện 10 nhiệm vụ, đề án với kinh phí trên 617 triệu đồng. Các đề án triển khai đã giúp nhiều cơ sở CNNT đổi mới công nghệ, nâng cao sản lượng, đặc biệt chất lượng được cải thiện rõ rệt, góp phần tăng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đơn cử như trong lĩnh vực chế biến khô mực, Công ty TNHH Mỹ Thuyền đã được trung tâm hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư thiết bị kho trữ lạnh bảo quản với sức chứa 120 tấn. Thiết bị này có nhiều chức năng nổi trội: Nhiệt độ trong kho ổn định; tiêu thụ điện năng ít, tiếng ồn thấp; sử dụng môi chất lạnh HFC-R404A nên không ảnh hưởng môi trường và phá hủy tầng Ozone. Báo cáo hiệu quả sau đầu tư của đối tượng thụ hưởng cho thấy, thiết bị mới đã giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình bảo quản khô mực sau chế biến, tiết kiệm thời gian và chi phí thuê kho lạnh bên ngoài, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tương tự, cơ sở sản xuất Cẩm Tính (ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương đã đầu tư gần 300 triệu đồng mở rộng dây chuyền xay xát lúa gạo (thiết bị đánh bóng gạo). Thiết bị này giúp tăng từ 15-25% độ bóng, độ sáng của gạo, sạch cám hơn, tỷ lệ bóc cám đến 3%, tỷ lệ gãy, vỡ dưới 2%, máy tự động đóng - ngắt nguyên liệu, giúp ổn định chất lượng gạo thành phẩm.
Tuy nhiên, do đa phần cơ sở CNNT trên địa bàn có quy mô nhỏ, khả năng kết nối đối tác và các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế nên chưa mạnh dạn mở rộng quy mô, áp dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các cơ sở cũng chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng, chưa sáng tạo những mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên khả năng cạnh tranh chưa cao.
Đại diện Sở Công Thương Cà Mau cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục bám sát cơ sở; tìm hiểu thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các đề án hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu. Tỉnh sẽ hoàn thiện quy trình quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực đồng bộ với chính sách đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học và công nghệ...
Với những hiệu quả thiết thực đã đạt được qua từng đề án, sức nóng của khuyến công Cà Mau đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.
Nguồn: Hà Linh/Báo Công Thương điện tử