Chiều ngày 21/10, 250 giám đốc điều hành tại Hà Nội đã có buổi trao đổi với PGS.TS Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Trưởng ban Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Bình nhận định trong bối cảnh công nghệ ngày càng bùng nổ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), các doanh nghiệp muốn tồn tại buộc phải thay đổi để bắt kịp với xu thế của thời đại. "Cách mạng là thay cái cũ bằng cái mới. Nếu doanh nghiệp không nắm trong tay vũ khí thì sẽ không thể sống sót. Hãy tự hỏi hằng ngày, công việc này có thể làm khác không và lan tỏa tinh thần đổi mới đến mỗi thành viên của doanh nghiệp mình", ông Bình nói.
Thay đổi để tạo ra sự khác biệt vừa để đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách hàng đồng thời cũng là nhân tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần "dò đá qua sông" học tập kinh nghiệm của các nước đi trước. Ngoài ra, tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiệt huyết trong công việc cũng là một nhân tố quan trọng để quyết định sự sống còn của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lên ngành ngân hàng, ông Bình cho rằng trong tương lai công nghệ tài chính (fintech) sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo đó, các quyết định cho vay sẽ được xử lý nhanh chóng chỉ sau tích tắc dựa trên social scoring (đánh giá tình hình tài chính, thu nhập, sở thích...của người cần vay tiền). Tất cả các công đoạn đánh giá, đưa ra quyết định đó đều được thực hiện bằng máy. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tài chính tín dụng của mỗi khách hàng sẽ được theo dõi đồng bộ trên hệ thống thay vì chia ra từng mảng sản phẩm như hiện nay.
Đối với lĩnh vực viễn thông, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều thay đổi. Viễn thông 4.0 sẽ phát triển trên nền tảng băng thông rộng và đảm bảo đường truyền. Khi đó, với việc sử dụng micro-service, nền tảng viễn thông quá khứ sẽ bị thay thế bằng việc xử lý thuần túy bằng trí tuệ nhân tạo.
Đối với các ngành dịch vụ, trong tương lai “chờ đợi” đã không nằm trong từ điển khách hàng. Thông qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể đoán trước được nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn.
Ông Bình dự đoán rằng trong tương lai, cơ cấu lao động sẽ dần dịch chuyển sang ngành nông nghiệp và du lịch do 2 ngành này có thể đi đôi với nhau, tạo cơ hội việc làm rất lớn cho lao động.

Nguồn: Đức Quỳnh/ndh.vn