Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 9 năm 2015, sản xuất kinh doanh của ngành giấy mặc dù gặp nhiều khó khăn đặc biệt là việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, cạnh tranh trên thị trường, giá cả ngưng trệ nhưng ngành giấy đã nỗ lực để đảm bảo phát triển ổn định.
Cụ thể, sản lượng giấy của Tổng công ty Giấy Việt Nam 9 tháng ước đạt 87,7 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu của Tổng công ty Giấy 9 tháng ước đạt 2.051,3 tỷ đồng, bằng 71,5% kế hoạch của năm và giảm 1,6% so với cùng kỳ.
Thị trường giấy làm bao bì, giấy tissue tương đối ổn định. Riêng thị trường giấy in, viết hiện nay đang có sự cạnh tranh gay gắt bởi lượng lớn giấy nhập khẩu từ các nước.
Giấy nhập khẩu vào Việt Nam xét theo chủng loại là loại giấy Việt Nam chưa sản xuất được gồm giấy tráng phấn, giấy tự sao chép, giấy chuyên dùng. Và nhập những loại giấy có chất lượng cao hơn giấy sản xuất trong nước như giấy copy, giấy làm bao bì chất lượng cao, giấy bao gói xi măng.
Hầu hết Việt Nam nhập khẩu giấy nhập từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bộ Công thương cho biết, hiện nay, giấy sản xuất trong nước chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu với số lượng rất nhỏ. Hơn nữa, sản lượng xuất khẩu 9 tháng năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 9 tháng, Tổng công ty Giấy xuất khẩu ước đạt 21,9 triệu USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng ngành giấy Việt Nam không tận dụng được nhiều cơ hội xuất khẩu giấy với thuế suất bằng 0 khi hội nhập.
Bên cạnh đó, ngành giấy Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn khi giấy nhập khẩu từ nước ngoài dễ dàng xâm nhập thị trường Việt Nam.
Hải Yến