Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thiện Nhân - tại buổi làm việc tại Nhà máy điện rác Gò Cát, ngày 19/7 (do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp đầu tư xây dựng).
Tại buổi làm việc, sau khi nghe các đơn vị báo cáo về quá trình hoạt động của Nhà máy điện rác Gò Cát, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các đơn vị đầu tư phải đảm bảo bài toán phát triển bền vững về kinh tế song song với môi trường. Để có thể phát triển nhân rộng mô hình nhà máy điện rác đang thực nghiệm tại Gò Cát, Công ty Thủy Lực - Máy cần liên doanh với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị lập dự án đầu tư.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị lo đầu vào là nguyên liệu và hạ tầng đầu tư nhà máy. Còn Công ty Thủy Lực - Máy lo công nghệ và vận hành xử lý rác. Mô hình liên doanh sẽ cho phép đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án và có nhiều thuận lợi hơn. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy họach và Kiến trúc sẽ tham mưu về việc đầu tư dự án của công ty.
“Trong 1 tháng tới, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ phải đo đạt chất lượng môi trường không khí trong quá trình vận hành nhà máy làm cơ sở để hỗ trợ mở rộng quy mô đầu tư của nhà máy. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tính toán đảm bảo an toàn cho hoạt động thực nghiệm của nhà máy, nhất là khu vực lưu trữ khí”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Về phía Công ty Thủy Lực - Máy cần chuẩn hoá tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại rác thải đặc thù, ngoài xử lý rác thải công nghiệp cần mở rộng cho những loại rác khác để khả năng xử lý đa dạng hơn. Đây là cơ sở và là tiền đề để trở thành đơn vị xử lý rác thải hàng đầu Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện trung bình mỗi ngày, môi trường thành phố đang tiếp nhận 1.500 tấn rác thải công nghiệp, công ty nên cân nhắc về việc đầu tư nhà máy xử lý rác thải công nghiệp quy mô lớn để không chỉ xử lý rác thải cho thành phố mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận. Ngoài ra, thành phố đang có 300 - 600 tấn rác nguy hại, nên có nghiên cứu thêm về việc xử lý rác thải nguy hại. Riêng rác thải sinh hoạt, trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh 8.300 tấn nên nhất thiết phải ứng dụng công nghệ điện rác trên để xử lý rác thải sinh hoạt.
Được biết, Nhà máy điện rác Gò Cát là đề án thực nghiệm xử lý rác thải thành điện năng do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp đầu tư xây dựng. Khác với dự án điện rác đang có tại bãi rác Gò Cát (nhà máy này sử dụng hoàn toàn công nghệ của Hà Lan), đề án thực nghiệm nhà máy điện rác của hai công ty sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam do Công ty TNHH Thủy Lực - Máy nghiên cứu và sản xuất.
Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử