Tình trạng tắc nghẽn ở hai cảng container hàng đầu Trung Quốc là Thượng Hải và Ninh Ba đang trở nên tồi tệ hơn sau khi các nhà chức trách tạm thời đóng cửa một nhà ga của cảng biển Ninh Ba-Chu San do phát hiện một nhân viên mắc COVID-19.
Các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn để ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Kể từ cuối tháng Bảy, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã phát hiện biến thể Delta lây lan tại hơn một chục thành phố.
Theo công ty phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv (Anh), ngày 11/8, có đến 40 tàu container vẫn đang chờ đợi tại khu neo đậu bên ngoài thành phố biển Chu San, tăng so con số 30 tàu của ngày 10/8, sau khi một nhân viên tại tại nhà ga Meishan của cảng Ninh Ba-Chu San đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhà ga Meidong đã tạm ngừng mọi hoạt động kể từ đầu ngày 11/8, trong khi các nhà ga khác tại cảng Ninh Ba áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng người và hàng hóa ra vào khu vực cảng.
Công ty vận tải biển CMA CGM (Pháp) cho hay một số tàu sẽ được chuyển tuyến trở lại Thượng Hải hoặc bỏ qua việc ghé lại cảng tại Ninh Ba. 
Tuy nhiên, các cảng ở Thượng Hải gần Ninh Ba cũng đang chứng kiến tình trạng tắc nghẽn tồi tệ nhất trong ít nhất ba năm. Refinitiv cho biết khoảng 30 tàu đang xếp hàng bên ngoài cảng Dương Sơn, một bến cảng container quan trọng của Thượng Hải.
Tình trạng ùn tắc mới nhất xảy ra sau sự gián đoạn lớn đối với việc xếp dỡ container ở miền Nam Trung Quốc hồi tháng Sáu, khi các cảng gần Thâm Quyến áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khiến hàng chục tàu container bị nghẽn lại.
Vụ việc trên có thể đẩy giá vận chuyển container lên cao hơn nữa, sau khi giá cước cho một container 40 feet lần đầu tiên vọt lên mức kỷ lục 20.000 USD cho tuyến đường giữa Trung Quốc và Mỹ.
Các chuyên gia nhận định sự gia tăng đơn đặt hàng của các nhà bán lẻ trước mùa mua sắm cao điểm của Mỹ đã làm khiến chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm căng thẳng.
Simon Geale, Phó Chủ tịch công ty tư vấn chuỗi cung ứng Proxima, cho rằng các doanh nghiệp nên hành động ngay bây giờ để lập kế hoạch dự phòng cho kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Theo chuyên gia này, có một rủi ro thực sự trong năm nay là người tiêu dùng sẽ có tiền để chi tiêu song các nhà bán lẻ sẽ phải vật lộn với nguồn hàng sẵn có, biến động của chi phí và khả năng tài chính của riêng họ.

Nguồn: Trà My / BNEWS (Theo Reuters)