Một nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa hoàn thành báo cáo “Chuỗi cung ứng của một số ngành trong bối cảnh dịch Covid-19”. Trong đó, một nội dung đáng chú ý liên quan đến phần “đánh giá tác động của dịch Covid–19 lên chuỗi cung ứng ô tô điện tại Việt Nam”.
Xu hướng mới của ngành công nghiệp ô tô thế giới là sự chuyển dịch từ ô tô sử dụng động cơ xăng, dầu sang các phương tiện giao thông không phát thải. Dịch Covid–19 đang đẩy mạnh quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia trong ngành ô tô, và ô tô điện sẽ là sản phẩm để khẳng định vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Thực tế thời gian qua cho thấy dịch Covid–19 không tác động trực tiếp đến ngành ô tô Việt Nam, thậm chí ở chiều ngược lại còn mang đến nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô.
Nhóm nghiên cứu của UNDP đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể về chính sách để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào ngành sản xuất ô tô điện và cho rằng đây chính là tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
CẦN CÓ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT XE ĐIỆN
Báo cáo nhấn mạnh các chính sách khuyến khích thích hợp ngay lúc này sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho ngành công nghiệp ô tô điện.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, hiện nay ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế so với các nước có ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới như thị trường Việt Nam quá nhỏ cho mỗi mẫu xe, đánh giá trên quy mô của nền kinh tế. Tiếp đến là những hạn chế về khả năng cạnh tranh, chi phí lắp ráp ô tô do chi phí logistics nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam quá cao.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu UNDP, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những chính sách phù hợp để ngành ôtô tại Việt Nam tập trung vào việc chuyển đổi sang xe điện trong thời gian tới. Nếu làm được điều này, ô tô điện sẽ là sản phẩm để khẳng định vị trí của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu đề xuất Việt Nam cần xây dựng lộ trình cấp quốc gia về triển khai và áp dụng xe điện với sự cân bằng giữa hai yếu tố cung và cầu. Theo đó, phải xác định được cụ thể các chính sách khuyến khích cần thiết để thúc đẩy cơ hội tham gia của doanh nghiệp trong nước vào những cấu phần của chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà Việt Nam có tiềm năng.
Những chính sách này nhằm mục tiêu chính là linh kiện sản xuất trong nước có thể thay thế linh kiện nhập khẩu. Tương lai xa hơn các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô điện của Việt Nam có thể tham gia vào hoạt động xuất khẩu và trở thành một điểm cung ứng linh kiện cho ngành sản xuất ô tô điện toàn cầu.
NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN LÀM NGAY
Báo cáo của UNDP cho rằng Việt Nam cần thành lập ngay một cơ quan ở cấp Trung ương chịu trách nhiệm và điều phối các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng và triển khai lộ trình để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xác định rõ những cấu phần trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu mà các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Cùng với đó là có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn và yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn chung để khuyến khích sản xuất trong nước.
Để thực hiện được những điều này, Việt Nam cần một lộ trình cụ thể và trong giai đoạn đầu của lộ trình này cần đưa ra chính sách để khuyến khích, tận dụng năng lực trong nước. Trước mắt là tận dụng năng lực trong nước vào hoạt động sản xuất xe điện hai bánh có rào cản công nghệ thấp.
Các chính sách phải bao gồm cả việc thiết kế, triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân và chương trình đào tạo kỹ năng cấp quốc gia về xe điện. Việt Nam cũng cần có lộ trình khuyến khích việc sử dụng xe điện thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn khí thải chuyên biệt cho các loại xe trên thị trường, có lộ trình rõ ràng áp dụng phương tiện không phát thải.
Đưa ra các yêu cầu về sản xuất, bán hàng cho các nhà sản xuất thiết bị gốc dựa trên các tiêu chí về chất lượng sản phẩm. Xây dựng bộ tiêu chuẩn để xếp hạng về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện để giúp quá trình mua bán dễ dàng và thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.
Một phần quan trọng nữa là vấn đề phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện. Theo nhóm nghiên cứu của UNDP, cơ quan quản lý nhà nước cần phân tích về mức độ sử dụng, mật độ phương tiện, mô hình giao thông và tình trạng tắc nghẽn... để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở sạc điện, xác định vị trí để đảm bảo các trạm sạc được đặt tại các vị trí thuận tiện, phù hợp với cơ sở hạ tầng điện và mạng lưới điện.

Nguồn: Linh Đan/VnEconomy