Trong cuộc họp giao ban mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng cách tính giá điện và biểu giá bậc thang của ngành điện hiện nay còn nhiều bất cập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, biểu giá hiện tại có 6 bậc thang theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều; lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp, như vậy là chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Theo đó, Thứ trưởng Vượng đề nghị Cục Điều tiết Điện lực nên nghiên cứu, xem lại biểu giá và cách tính giá điện bán lẻ theo hướng có ít bậc thang và đặc biệt rút ngắn mức chênh lệch mức giá giữa các bậc thang.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo Cục điều tiết Điện lực nên xem xét đưa biểu giá điện từ 6 bậc về còn 3 bậc thang.
Trao đổi với Vinanet.vn, TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, thủ phạm khiến giá điện tăng cao chính là do cách tính theo bậc thang 6 bậc.“Tôi đồng tình với việc buộc phải tính lũy tiến để tiết kiệm nguồn năng lượng nhưng tính theo lũy tiến tăng gấp 1,3-1,4 lần giá điện bình quân như hiện nay (1.622đ/kWh) là bất hợp lý"- Ông Long phân tích.
Theo ông Long, chênh lệch giá giữa các bậc thang trong biểu giá điện hiện nay là quá lớn. Biểu giá điện nên để lũy tiến trong khoảng người dân tiêu dùng nhiều từ 100-300kWh, nhưng ở mức độ vừa phải, hệ số tăng từ 1,1-1,2 giá tiền bình quân là phù hợp nhất.
|
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2015 |
Tuy nhiên, liệu việc áp dụng rút biểu giá từ 6 bậc xuống còn 3 bậc có chắc chắn đem lại lợi cho người tiêu dùng? TS Ngô Trí Long nói: “Đừng nghĩ giảm từ 6 bậc xuống còn 3 bậc là có lợi. Chúng ta phải xem xét 3 bậc là như thế nào, cách tính số tiền giữa các bậc có giảm xuống hay lại cao lên gấp đôi, gấp ba. Nếu cao hơn gấp đôi, gấp ba ở bậc người tiêu dùng dùng nhiều, từ 100-300 kWh thì chỉ càng bất lợi”.
Đồng với quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, hiện nay cách tính biểu giá điện của EVN chia thành 6 bậc, khoảng cách giữa các bậc rất ngắn, chỉ cần dùng quá lên một vài số là nhảy sang bậc cao hơn.
Nếu việc giảm từ 6 bậc xuống còn 3 bậc được áp dụng thì mỗi khung giá sẽ kéo dài ra hơn, đầu tiên sẽ là người tiêu dùng có lợi. Sau đó là nhà đèn, vì bậc thang mới giúp cách tính giá điện đỡ phức tạp hơn và cũng dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, người tiêu dùng thực sự có lợi hay không phụ thuộc vào quy định giá của mỗi bậc như thế nào, hệ số lũy tiến ra sao. "Trong biểu giá điện 3 bậc, theo nguyên tắc, bậc đầu tiên là bậc thấp nhất thì khoảng cách phải tương đối rộng, bậc thứ hai bắt đầu nâng lên một chút, bậc thứ ba thì giá mới cần cao lên hẳn", chuyên gia Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Kiều Linh