Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên có chỉ đạo quyết liệt về: đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; và điều hành hợp lý giá cả mặt hàng xăng dầu. Chính vì thế, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để thực hiện nhất quán, đúng quy định theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ trong việc điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới nhưng vẫn mang lại thuận lợi nhất trong điều kiện có thể cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 04/6/2022
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp đã được thực hiện trong thời gian qua và cần tiếp tục được tập trung thực hiện trong thời gian tới để có thể kiềm chế tối đa mức tăng giá xăng dầu:
Thứ nhất, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cần nhìn nhận, giá xăng dầu tăng không chỉ gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp, mà cũng tạo sức ép hết sức lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Từ đầu năm đến kỳ điều hành gần nhất ngày 1/6/2022 vừa qua, giá giao dịch bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới tại thị trường Singapore (giá Platt - được công bố bởi Hãng tin Platt’s và đang được lấy làm chuẩn để tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước) đã tăng 45,86% - 63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng Quỹ Bình ổn giá linh hoạt, hợp lý trong suốt thời gian qua, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29% - 47,89%.
“Như vậy chúng ta vẫn phải điều hành theo xu hướng tăng của giá thế giới, nhưng mức tăng của chúng ta là thấp hơn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Thứ hai, điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, ví dụ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, và Bộ Tài chính - trong phạm vi chức năng của mình - đã báo cáo Chính phủ để ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt Bộ Tài chính, tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án trong phạm vi có thể để giảm các loại thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng dầu.
Thứ ba, để có thể điều chỉnh giảm giá xăng dầu là trách nhiệm không chỉ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, mà của cả Chính phủ và các Bộ, ngành khác, do đó cần hướng tới các giải pháp khác như: đề xuất các chính sách an sinh để hỗ trợ người dân, đặc biệt các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách…; các giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến động giá xăng dầu…
“Với những biện pháp hiện nay đang triển khai cũng như trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong điều kiện cho phép và trong bối cảnh giá xăng dầu hiện nay vẫn còn ở mức thấp hơn so với các nước có chung biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc,…” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.