Nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish đã thống nhất một số biện pháp, lĩnh vực mà hai Bên có thể cùng hợp tác, phát triển.
Ngày 28 tháng 3 năm 2017, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp Ngài Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề, biện pháp, cách thức phối hợp trong thời gian tới nhằm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là trong năm 2017 là năm kỷ niệm 45 năm Quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Tham dự buổi tiếp với Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên và Cục Xuất nhập khẩu.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và truyền thống lâu đời với Ấn Độ. Việt Nam hoan nghênh chính sách “Hành động hướng Đông” và những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ trong việc thực hiện chính sách này nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và các nước ở phía Đông, trong đó có Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và hợp tác từ nước ngoài, trong đó Ấn Độ là một trong những đối tác tin cậy, được ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng nhận thấy quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước đã và đang có những bước phát triển bền vững, tích cực trong thời gian gần đây. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 5,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,69 tỷ USD và nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2,71 tỷ USD; cán cân thương mại được cải thiện theo hướng tích cực và hài hòa cho cả hai Bên. Ngoài trao đổi thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước cũng có nhiều triển vọng phát triển. Nhiều tập đoàn, công ty của của Ấn Độ đã và đang tiến hành các dự án đầu tư tại Việt Nam; đáng chú ý là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, nhiệt điện... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, trao đổi thương mại hai chiều vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và mong muốn của hai Bên. Hai nước hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại đối với các sản phẩm mà mỗi Bên có lợi thế và có thể bổ sung cho nhau.
Ngài Parvathaneni Harish đã cảm ơn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dành thời gian tiếp, nhất trí với các ý kiến Bộ trưởng đã nêu và cho biết Đại sứ quán Ấn Độ nói riêng, các Bộ, ngành của Ấn Độ nói chung, luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan của phía Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đại sứ Parvathaneni Harish đã thống nhất một số các biện pháp, lĩnh vực mà hai Bên có thể cùng hợp tác, phát triển: hai Bên cần tăng cường và tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tham vấn giữa các cơ quan liên quan; trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp tham dự các Hội chợ, triển lãm được tổ chức tại mỗi nước; hai Bên sớm thống nhất thời gian tổ chức Kỳ họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 4 tại Hà Nội để rà soát, đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác cho từng lĩnh vực; hai Bên cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như công nghệ thông tin, dệt may, da giày, năng lượng, năng lượng tái tạo, điện, các sản phẩm nông nghiệp như chè, cà phê, tiêu…
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp nói riêng sẽ ngày càng phát triển, tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ thuận lợi, định hướng hoạt động, góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại cho các doanh nghiệp hai nước, góp phần vào việc đạt được mục tiêu đã đề ra là đưa kim ngạch song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương