Kết quả của Hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 (HNCC 25), được tổ chức từ ngày 10-11 tháng 11 năm 2017. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh:
"Hội nghị Liên Bộ trưởng Kinh tế - Ngoại giao lần thứ 29 (AMM 29) đã thành công tốt đẹp, như các bạn đã biết tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, và trong bối cảnh này thì APEC đang tiếp tục phát huy vai trò trong cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và khẳng định khả năng thích ứng cao trong nền kinh tế thị trường.
Trong thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực hết sức cùng các nền kinh tế thành viên APEC hiện thực hóa chủ đề là Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai và đề ra nhiều sáng kiến, ý tưởng và triển khai hợp tác. Hội nghị Liên Bộ trưởng Kinh tế - Ngoại giao là cơ hội để các Bộ trưởng nhìn lại kết quả hợp tác trong APEC tại Việt Nam, trong thời gian qua thông qua các cuộc họp cấp Bộ trưởng, các Phiên thảo luận về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Và đặc biệt các Bộ trưởng đã thảo luận về định hướng liên kết trong tương lai. Hội nghị AMM 29 đã cơ bản hoàn thành các văn bản để trình lên các lãnh đạo nền kinh tế APEC".
Hội nghị đã đạt được các kết quả sau:
- Kết quả quan trọng của Hội nghị đặt trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định và khó khăn, các Bộ trưởng đã khẳng định quyết tâm duy trì liên kết của APEC. Với quyết tâm đó, chúng tôi đã thảo luận các nội dung cụ thể để thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa khu vực, hoàn tất các mục tiêu Bogor, đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối đầu tư và cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu, giảm thiểu rủi ro, thiên tai, chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên. Hoan nghênh nỗ lực của các thành viên trong triển khai Tuyên bố LIMA hướng tới khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương, và thực hiện những kế hoạch dài hạn.
- Nhất trí trước xu thế công nghệ mới toàn cầu hóa, kết nối sâu rộng hiện nay thì APEC cần tạo những động lực mới để đóng góp vào duy trì Châu Á – Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng liên kết kinh tế toàn cầu, trong đó các Bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, trang bị các kỹ năng mới cho người lao động, thiết thực trong thời kỳ Kỷ nguyên số, ứng dụng khoa học công nghệ để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Các Bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng thiết thực, đáng chú ý là (i) khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại xuyên biên giới; (ii) chiến lược APEC về các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh, bền vững và sáng tạo…
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh:
Hội nghị Liên Bộ trưởng AMM29 là một hoạt động không chỉ có ý nghĩa với Việt Nam, các nước trong APEC mà còn có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt đối với xu thế của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Hội Nghị APEC 2017 tại Việt Nam tập trung thảo luận những nội dung chính trong khuôn khổ AMM29 cũng như Hội nghị cấp cao thể hiện quyết tâm hướng tới mục tiêu chung mà các nền kinh tế APEC đề ra.
Tại Hội nghị AMM 29, những nội dung mà các Bộ trưởng thảo luận và thông qua có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để trình các Lãnh đạo cấp cao APEC. Những nội dung này mang tính toàn diện, đa dạng từ nhiều góc độ, nhiều cấp độ và phản ánh được sự quan tâm và những lợi ích của các nền kinh tế APEC. Mặc dù Hội nghị này còn có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta đã đi đến một kết quả rất tích cực là tập trung vào lợi ích của các nước nền kinh tế APEC trong những nội dung đã được thảo luận thống nhất thông qua. Hội nghị đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực, đóng góp vào việc thực hiện tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, cũng như tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Những sáng kiến, những nội dung mà nước chủ nhà Việt Nam tham gia đã được đánh giá cao và phản ánh được thực tiễn, phục vụ cho tiến trình toàn cầu hóa và APEC. Ví dụ như sáng kiến APEC về tạo thuận lợi cho Thương mại điện tử xuyên biên giới đã nhận lại sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế tham gia trong APEC và cũng phản ánh đúng trong xu thế chung phát triển kinh tế thương mại. Chúng ta không chỉ dừng trong việc đánh giá mục tiêu, kết quả đã đạt được, kế hoạch 2017, nhất là mục tiêu Bogor 2020 mà còn tiếp tục thông qua các cơ chế, sáng kiến quan trọng để tiếp tục mục tiêu của Bogor sau 2020 và tiến xa hơn nữa. Và ở đây có những sáng kiến của VN trong việc thực hiện cơ chế xây dựng mục tiêu cho tiến trình hậu Bogor do VN đề xuất trong diễn đàn APEC đã được thông qua, cùng với những chiến lược khác của APEC để xây dựng các Đề án mang tính chiến lược, nhưng cũng đầy thực tiễn giúp cho APEC đạt được mục tiêu chung phát triển bền vững, bao trùm.
Nỗ lực duy trì TPP với chất lượng cao
Phát biểu tại họp báo của Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) chiều ngày 9/11 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) là một nội dung không chính thức trong khuôn khổ của APEC nhưng nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, cũng như của các nền kinh tế thành viên APEC.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hội nghị Bộ trưởng TPP là hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng AMM và những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng TPP cũng là những nội dung tiếp nối trong quá trình trao đổi và làm việc ở cấp Trưởng đoàn đàm phán của các nước TPP, cũng như phù hợp với tinh thần kết quả Hội nghị AMM và MRT 23 tại Hà Nội. Các nước TPP cũng đang tiếp tục nỗ lực duy trì TPP với chất lượng cao, đảm bảo lợi ích cân bằng của các quốc gia tham gia để đảm bảo các lợi ích chung thông qua tự do hóa của thị trường hội nhập. Mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định TPP nhưng cả 11 nước tham gia TPP vẫn đang tiếp tục những nỗ lực chung của mình.
Trong bối cảnh mới thì các nước TPP cũng đang tiếp tục thảo luận để có được sự đồng thuận, chia sẻ để tạo điều kiện cho TPP sẽ tiếp tục có hiệu lực và mang lại những giá trị thực hiện cho mỗi quốc gia tham gia cũng như cho nền kinh tế. Còn những quan điểm và xu thế về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới có những khía cạnh khác nhau của toàn cầu hóa, tuy nhiên mục tiêu của APEC 2017 cũng như mục tiêu chung của TPP vẫn đang tiếp tục nhận được những nỗ lực chung để đạt được sự chia sẻ đồng thuận, để từ đó nhằm đạt được TPP thế hệ mới, đóng góp chung cho toàn cầu hóa cũng như các nước TPP.
Chương trình Kế hoạch hành động thực thi Tuyên bố LIMA về FTAAP
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, tại sao năm nay APEC không thể thông qua được kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố Lima về FTAAP? Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết:
Việc hiện thực hóa tuyên bố Lima về việc thực hiện một khu vực thương mại tư do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) là một trong những nội dung thảo luận quan trọng hiện nay của APEC. Trong suốt năm 2017, có rất nhiều diễn đàn cũng như các khung khổ hợp tác, các nền kinh tế đã nghiên cứu, phối hợp với nhau để xây dựng và xác định ra những nội dung cơ bản để đưa vào thực hiện Chương trình Kế hoạch hành động thực thi Tuyên bố LIMA về FTAAP. Đây là mục tiêu quan trọng đối với 21 nền kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trải rộng trên 4 Châu lục với các mức độ, trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau nên có những mối quan tâm ưu tiên đa dạng trên nhiều lĩnh vực, chính vì vậy việc xây dựng một Chương trình hành động cụ thể để thực thi Tuyên bố LIMA với những nội dung, nội hàm ưu tiên khác nhau thì không thể thực hiện một cách đơn giản.
Trên thực tế thì mặc dù có những nỗ lực rất lớn nhưng còn những khoảng cách trong việc lựa chọn các lĩnh vực, các nội dung cụ thể để đưa vào Kế hoạch hành động lần này. Chính vì vậy APEC và các Bộ trưởng cũng đã quyết định dành thời gian để tiếp tục thảo luận và làm rõ cơ sở nhằm đạt được sự đồng thuận về những nội dung và chương trình ưu tiên của mỗi nền kinh tế thành viên. Do vậy, APEC quyết định sẽ tiếp tục thảo luận thêm vào năm 2018 nhằm đảm bảo có được một kế hoạch hoạt động mang tính thực tiễn, có tính đến lợi ích khác nhau của các nền kinh tế trong khu vực, giúp tạo cơ sở bền vững, và đảm bảo hiệu quả tính thực thi của Chương trình.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương