Hội thảo cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt trong việc phát triển năng lượng sinh khối trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các nhà đầu tư thảo luận, trao đổi về chính sách pháp lý, quy định hiện hành liên quan đến việc phát triển năng lượng sinh khối; Tăng cường các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh khối trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội thảo
Có thể thấy rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp sản xuất trên thế giới nói chung và trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nhu cầu về sử dụng năng lượng đã và đang gia tăng mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như các nhu cầu khác về an sinh xã hội. Ngược lại, khi nhu cầu về tiêu dùng năng lượng của con người là vô hạn thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản sinh ra năng lượng lại hữu hạn và khả năng tái sinh của chúng đòi hỏi thời gian rất dài, có khi lên tới hàng triệu năm (ví dụ như than đá, dầu mỏ v.v.). Trong bối cảnh đó, con người buộc phải đầu tư công sức nhằm tìm kiếm những nguồn năng lượng khác có khả năng tái tạo nhanh chóng hoặc ngay lập tức như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước và năng lượng sinh khối v.v. Những loại hình năng lượng này, nếu được đầu tư nghiên cứu và sản xuất một cách đúng mức sẽ góp phần quan trọng trong việc thay thế các nguồn năng lượng khó tái tạo với chi phí sản xuất rẻ hơn và thời gian nhanh hơn. Năng lượng sinh khối, vì vậy đang và sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên thế giới và tại các nền kinh tế khu vực APEC.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ, tại các nền kinh tế phát triển, năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng sinh khối chiếm khoảng 15% trong tổng cung về năng lượng. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, năng lượng tái tạo lại là lĩnh vực tương đối mới, chưa phát triển và chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng cung năng lượng của nền kinh tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do đa số nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều có chung đặc điểm là sự thiếu và yếu của cơ sở hạ tầng, kiến thức chuyên môn, sự nghèo nàn về kinh nghiệm thực tế trong quá trình quản lý và vận hành bộ máy hoạt động, sự hạn chế của các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về công nghệ và tài chính.
Sinh khối là một thuật ngữ có ý nghĩa bao hàm rất rộng dùng để mô tả các vật chất có nguồn gốc sinh học, vốn có thể được sử dụng như một nguồn năng lượng do các thành phần hóa học của nó. Với định nghĩa như vậy, sinh khối bao gồm cây cối tự nhiên, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp. Sinh khối cũng bao gồm cả những vật chất được xem nhưng chất thải từ xã hội như chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn nước uống, bùn/nước cống, phân bón, sản phẩm phụ gia (hữu cơ) công nghiệp và các thành phần hữu cơ của chất thải sinh hoạt v.v. Trên thực tế, nếu chúng ta biết cách tận dụng một cách có hiệu quả và khoa học nguồn sinh khối khổng lồ đang được sản sinh hàng ngày trên trái đất, thì điều này sẽ giúp sản sinh ra nguồn năng lượng vô cùng lớn, phục vụ cho sản xuất, đời sống của nhân loại và làm sạch môi trường sống.
Với sự tham gia của đông đảo học giả, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp và tổ chức, hiệp hội trong và ngoài khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hội thảo đã thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến, khuyến nghị thực sự có ý nghĩa nhằm tối đa hóa hiệu quả của hợp tác chính sách trong quá trình phát triển và đưa vào sử dụng năng lượng sinh khối nhằm phục vụ sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Kết quả của Hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC nhằm sớm biến định hướng chính sách thành hiện thực.
Nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng sinh khối nói riêng đối với sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của khu vực, những năm gần đây APEC đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác sôi nổi, thiết thực và hiệu quả, hướng tới mục tiêu tăng cường tiết kiệm năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng sạch, an toàn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của các nền kinh tế thành viên APEC.