Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2016 phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Đáng lưu ý là nhập khẩu của khu vực Eurozone giảm 3%; Nhật Bản giảm 13,8%; tình trạng tương tự diễn ra đối với thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác. Tình hình tỷ giá, lãi suất và giá cả một số loại, nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu phục vụ sản xuất trên thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Giá nhiều loại mặt hàng đều ở mức thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỷ USD, giảm mạnh 39,4%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương giai đoạn 2016 - 2020, nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan đặt ra cho xuất khẩu của Việt Nam như các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được phổ biến trong bối cảnh thuế nhập khẩu được xóa bỏ trong các hiệp định FTA; Số vụ điều tra và áp dụng thuế chống bán giá và chống trợ cấp đối với hàng Việt Nam ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam và hạn chế khả năng tận dụng các FTA, v.v... Từ hoạt động sản xuất trong nước, tình trạng hạn hán, nhiễm mặn kỷ lục ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu nông sản...; Nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, bị hạn chế về khả năng tiếp cận vốn, khả năng đổi mới và cập nhật, ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành, năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng trong môi trường động, v.v...
Đại diện nhiều hiệp hội, ngành hàng như thủy sản, dệt may, lương thực, chế biến gỗ, DN xuất khẩu... cũng nêu lên các khó khăn, vướng mắc, thách thức cũng như các kiến nghị để Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan, Chính phủ... cùng hỗ trợ tháo gỡ cho hoạt động xuất khẩu.
Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016”
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016 là năm hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là Hiệp định TPP và Hiệp định Việt Nam - EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Về phía Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng DN giải quyết nhanh những khó khăn cho DN như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho DN xuất khẩu thông qua đường dây nóng này. Thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho DN, v.v… Những vấn đề ngoài thẩm quyền của Bộ Công Thương sẽ được tập hợp và chuyển đến các Bộ, ngành liên quan, thực hiện tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay khó khăn cho DN xuất khẩu nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cả nước.
Bên cạnh đó, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm kinh tế - xã hội 2016 - 2020, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tháo gỡ khó khăn cho DN. Năm 2016 cũng là năm hoàn tất ký kết các Hiệp định Thương mại tự do FTA mới, đặc biệt là các Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam - EU hứa hẹn mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương