Tại kỳ họp TBHH lần này, hai Bên đã cùng đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua, điểm lại những kết quả đạt được từ kỳ họp lần thứ 8 TBHH năm 2015 và trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh hai nền kinh tế Việt Nam và Mi-an-ma ngày càng gắn kết và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Kể từ kỳ họp lần thứ 8 TBHH được tổ chức vào tháng 03 năm 2015 đến nay, quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố và đạt đang những kết quả đáng ghi nhận. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mi-an-ma đã đạt 434,7 triệu USD vào năm 2015 và đạt 548,3 triệu USD vào năm 2016, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đã có mặt tại Mi-an-ma và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng với giá thành cạnh tranh. Tính đến hết tháng 02 năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư trên 2 tỉ USD vào các dự án tại Mi-an-ma. Với những kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Mi-an-ma.

(Ảnh; Báo Công Thương)

Nhằm tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế được đánh giá là năng động hàng đầu khu vực, kỳ họp lần thứ 9 TBHH đã đưa ra phương hướng giải quyết tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hơn cho khu vực doanh nghiệp hai nước như: tiếp tục thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu vào Mi-an-ma cần xin giấy phép nhập khẩu; đưa quả thanh long của Việt Nam ra khỏi danh sách này trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ xuất khẩu xi măng Việt Nam; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại hai nước, trao đổi học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh đàm phán để sớm ký Hiệp định Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về hải quan; tạo điều kiện cho các dự án đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Mi-an-ma, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, năng lượng, dịch vụ; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, trong đó có việc tạo thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường của nhau; hợp tác trong lĩnh vực giao thông, kết nối đường bộ, đường thủy và hàng không phục vụ vận chuyển hàng hóa và người giữa hai nước.

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và Thư ký thường trực Toe Aung Myint ký kết Biên bản kỳ họp lần thứ 9 TBHH Việt Nam - Myanmar

Cùng với chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mi-an-ma Than Myint vào tháng 01 năm 2017 vừa qua, kỳ họp lần thứ 9 TBHH Việt Nam – Mi-an-ma lần này cho thấy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại nói chung và quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại của Mi-an-ma nói riêng đang được quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ để tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng của mỗi nước.

Tính hết năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mi-an-ma đạt 548,3 triệu USD, tăng 26,1% so với năm 2015 và đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Mi-an-ma. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mi-an-ma đạt 461,9 triệu USD, tăng 22% so với năm 2015. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mi-an-ma đạt 86,4 triệu USD, tăng 53,8% so với năm 2015.

Tính đến hết tháng 02/2017, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 119,4 triệu USD, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mi-an-ma ước đạt 84,9 triệu USD, tăng 17,7% và kim ngạch nhập khẩu từ Mi-an-ma về Việt Nam ước đạt 34,5 triệu USD, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 294%).

Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang Mi-an-ma gồm: sản phẩm từ sắt thép, thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, sản phẩm chất dẻo, hàng dệt may. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu cao su nguyên liệu, gỗ và lâm sản, nông sản, thủy sản từ Mi-an-ma.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương