Sau hơn 2 năm với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và chính thức ký kết vào ngày 05/5/2015.
VKFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi rộng, mức độ tự do cam kết cao và cân bằng lợi ích của cả hai bên. Hiệp định có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh tốt hơn tại thị trường Hàn Quốc
Tại buổi hội thảo “FTA Việt Nam – Hàn Quốc, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức, Ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á, Điều phối viên Hiệp định VKFTA, Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương đã trình bày về những cam kết mở cửa hàng hóa và cắt giảm thuế quan giữa Việt Nam và Hàn Quốc theo Hiệp định đã kí kết.
Theo thỏa thuận,
Hàn Quốc cam kết tự do hóa cho 97,2% tổng giá trị hàng nhập từ Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam phải cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu, chiếm 89,2% số dòng thuế. Cam kết với 200 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc là 737 triệu USD.
Đó là các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dây điện, cáp điện, xe ô tô tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, dược phẩm, mỹ phẩm…
Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác. Đây là một trong những định hướng thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu của Việt Nam khi ký FTA với Hàn Quốc.
Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí…
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang…(thuế suất những mặt hàng này rất cao, từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc)
Ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho VN với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 nghìn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay VN chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN.
Về mức cam kết cụ thể của Hàn Quốc:
Phía Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với 502 nhóm hàng của Việt Nam, với tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam là 324 triệu USD.
Trong đó:
Nhóm tôm (7 mặt hàng): cam kết cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn trong năm đầu tiên và đạt 15.000 tấn sau 5 năm với thuế suất nhập khẩu 0%.
Nhóm dệt may (24 dòng): kim ngạch 60 triệu USD.
Nhóm sản phẩm gỗ (64 mặt hàng): kim ngạch 21 triệu USD.
Nhóm hoa quả nhiệt đới tươi, đóng hộp (18 dòng): kim ngạch 9 triệu USD.
Nhóm thủy sản (đông lạnh, đóng hộp – 68 dòng): gồm các mặt hàng cá, cua (trừ mực): kim ngạch 31 triệu USD.
Nhóm tỏi, gừng (khô, đông lạnh – 7 dòng): đây là nhóm hàng nhạy cảm của Hàn Quốc mà Hàn Quốc chưa cam kết với các đối tác khác. Thuế suất của các mặt hàng này là 27% đến 300-400%.
Nhóm rau quả và nông sản (50 dòng): 800.000 USD, gồm các mặt hàng rau củ quả VN đã có kim ngạch xuất khẩu hoặc tiềm năng xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Mật ong: thuế suất MFN của Hàn Quốc là 243%, là mặt hàng tiềm năng xuất khẩu lớn.
Các hàng hóa khác: gồm cà phê, hóa chất, thực phẩm chế biến…
Theo ông Tuyên, Hiệp định VKFTA được kí kết mở ra cơ hội lớn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại 2 chiều đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của VN, và VN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.
|
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hàn Quốc từ 2000 -2013 |