Sáng ngày 22/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trước đó, Tập đoàn này cũng đã đưa ra 3 phương án với 7 kịch bản cho giá điện. Trong đó, Phương án 1 vẫn giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Phương án 2 được EVN xây dựng đó là áp dụng một mức đồng giá 1.747 đồng/kWh. Phương án 3 được EVN rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc, mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh, trong đó có 5 kịch bản.

Góp ý về phương án giá điện, ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng, giá điện là câu chuyện phức tạp và đặc biệt nó gắn với hệ thông lương tại Việt Nam. Do đó, giá điện phải cân đối về các vấn đề kinh tế khác mới có thể cải tiến một cách hợp lý. Do đó yếu tố tính giá điện nên bổ sung thêm yếu tố nguồn cung của ngành điện. Đây là cơ sở quan trọng để tính giá điện cuối cùng. Thứ hai là cần tính đến mối quan hệ giữa hệ thống lương và hệ thống giá điện.

"Theo tôi, khi mức sống người dân tăng lên thì số điện dùng tối thiểu cũng sẽ tăng lên. Do đó cần tính bậc thang giá điện phù hợp với nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.  Tôi đồng ý với giá điện chia theo bậc thang nhưng nên ít bậc thang hơn. Có thể để số bậc thang từ 3 đến 4 bậc. Nhưng nên nâng kWh tại mỗi bậc và khoảng cách giữa các bậc cũng giãn ra. Đồng thời, chênh lệch giá giữa các bậc cũng thấp hơn", ông Thiên nói.

Chia sẻ quan điểm, theo TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế không nên giới hạn bậc số điện vì hiện nay xã hội cũng được phân theo nhiều mức sống khác nhau. Tuy nhiên, phương án điện 6 bậc như hiện nay cần xem xét lại. Nguyên nhân là do hai bậc đầu giá điện có giảm so với bình quân. Nhưng từ bậc 3-6, giá điện lại tăng gần 50% so với giá bình quân. Do đó, ông Long kiến nghị nên sửa biểu lũy tiến so với giá bình quân không được quá cao. Vì theo ông Long, từ bậc 3 đến bậc 6, mỗi phân khúc thấp kWh đang thấp so với mức sống tăng nên của người dân hiện nay. "Nên giãn khoảng cách giữa các bậc khoảng 150kWh. Đồng thời, ngành điện cần phải giãn các bậc để cho người thu nhập khá được tiêu dùng điện. Hơn nữa, giá điện trung bình từng bậc cũng cần hạ xuống thấp hơn hiện nay. Nếu tăng giá 50% thì phải trên 600kWh", ông Long nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng: Về mặt điều hành giá điện, điều hành giá điện nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng nhưng giá điện cần phải cao hơn giá thành sản xuất điện, để doanh nghiệp thu được mức lợi nhuận hợp lý.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trách nhiệm chính xây dựng biểu giá bán lẻ điện là của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN đưa phương án xây dựng biểu giá điện sinh hoạt. 

Trước đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN hoàn thiện Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá, trước mắt tập trung vào nghiên cứu cơ cấu biểu giá áp dụng cho khách hàng sinh hoạt. Trong tháng 9/2015 tổ chức Hội thảo tại 3 miền về Đề án  có mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí. Bộ trưởng yêu cầu EVN hoàn thiện Đề án trong tháng 10 gửi lãnh đạo Bộ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ông Tuấn cũng khẳng định, Bộ Công Thương cũng như Cục điều tiết và phía doanh nghiệp EVN sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện biểu giá điện mới. Sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ. 

Huyền Thương