Lợi nhuận chỉ tương đương 3% cùng kỳ

CTCP Y tế Việt Nhật (mã JVC-HoSE) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Tình hình kinh doanh nhiều biến động cùng khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là hai nguyên nhân chính tác động tới kết quả kinh doanh của JVC.

Cụ thể, doanh thu hoạt động kinh doanh của JVC đạt 114,8 tỷ đồng. Mặc dù giảm 62% so với cùng kỳ nhưng kết quả này lại tăng 29,1% so với quý trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 29%. Nguồn thu từ bán hàng dự án đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá cũng khiến JVC phải chi hơn 7 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng dù lãi vay đã giảm nhờ việc giảm đáng kể cơ cấu nợ vay. Ngoài ra hoạt động khác kỳ này báo lỗ hơn 3 tỷ đồng trong đó hơn 5 tỷ đồng là do phạt chậm nộp thuế. Chi phí bán hàng tăng mạnh gấp 4,7 lần cùng kỳ.

Kết quả là lợi nhuận quý II NĐTC 2014-2015 chỉ đạt vỏn vẹn 3,66 tỷ đồng, trong khi quý I lãi của công ty mẹ JVC đạt 3,8 tỷ đồng. Kết quả trên chỉ tương đương 3% lợi nhuận JVC đạt được cùng kỳ năm trước.

Tiền mặt sụt giảm, tăng phải thu

Từ đầu niên độ tài chính (1/4/2015), tiền và tương đương tiền của JVC đã giảm đáng kể, hơn 475 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm hơn 367 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các khoản phải thu tăng mạnh so với đầu năm. Trong khi đó, JVC ghi nhận nguồn tiền vào đáng kể từ thu hồi đầu tư góp vốn. Trong kỳ, JVC đã phải chi lượng lớn tiền để trả nợ gốc vay (454 tỷ đồng).

Được biết, trong tháng 6/2015, sau khi xảy ra sự cố liên quan đến người đứng đầu JVC khi đó, một số ngân hàng đang cho JVC vay đã tự động cắt nợ bằng nguồn tiền gửi của JVC tại ngân hàng. Đến ngày 30/9, tiền và tương đương tiền của JVC là 21,3 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối quý II NĐTC 2014-2015 của JVC đạt 2.290 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là các khoản phải thu. So với cuối quý I, phải thu tăng hơn 25 tỷ đồng, trong khi đó tồn kho giảm hơn 65 tỷ đồng.

Sửa điều lệ: không hạn chế sở hữu nước ngoài

Ngày 19/11/2015, JVC đã công bố bản điều lệ mới. Việc sửa đổi điều lệ theo luật doanh nghiệp năm 2014 đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 thông qua gần đây. Ngoài ra, cũng tại bản điều lệ mới, JVC đã chính thức quy định trong điều lệ về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, cổ đông nước ngoài và trong nước có quyền và nghĩa vụ như nhau. Không hạn chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại trừ trường hợp pháp luật quy định. Trước đó, room khối ngoại của JVC là 49%. Tại ĐHĐCĐ trước đây, HĐQT JVC đã được ĐHĐCĐ chấp thuận ủy quyền việc nâng room ngoại khi được pháp luật cho phép.

Nguồn: NDH