Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối tháng 5, một loạt lãnh đạo cao cấp của HUD bị kiến nghị phải chịu trách nhiệm đối với những tồn tại, vi phạm trong quyết định đầu tư vượt quá năng lực. Trong quá trình đầu tư, kinh doanh dự án đô thị, đặc biệt là từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính, quản trị dẫn đến chậm trễ triển khai, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn. Nợ phải trả lớn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.
Thanh tra cũng chỉ ra HUD làm trái và buông lỏng quản lý hoạt động uỷ quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn. Các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà uỷ quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên. Đây là việc làm trái Điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của HUD.
Khu đô thị Linh Đàm - một trong những dự án lớn do HUD làm chủ đầu tư
Theo cơ quan thanh tra, HUD thông qua hình thức uỷ quyền kinh doanh đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đất mà Nhà nước đã ưu đãi miễn tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường; không thực hiện đúng nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với các đối tượng khó khăn về nhà ở, không giao lại tầng một các toà chung cư cho thành phố Hà Nội theo quy định.
Tổng công ty cũng được cho là thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá, vốn kinh doanh. HUD đã hạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư m2 đất, m2 nhà phân bổ trên tổng mức đầu tư các dự án sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình.
Đơn cử, tại dự án khu đô thị Việt Hưng, doanh nghiệp trích thiếu chi phí phải trả quá nhiều dẫn đến hậu quả thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình còn nợ do trích trước và tiền nợ công trình hạ tầng lên tới hơn 5.500 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các khoản nợ phải trả của HUD hiện cũng lên tới trên 6.600 tỷ đồng, khả năng thanh toán lại khó khăn do mất cân đối dòng tiền, trong khi giá trị tồn kho lại khá lớn, lên tới hơn 4.300 tỷ đồng, thanh khoản chậm…
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định được HUD đầu tư ra bên ngoài giá trị khá lớn nhưng không hiệu quả, trong đó nổi bật là 2 doanh nghiệp Công ty Xi măng Sông Thao 516 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2012, doanh nghiệp này đã lỗ luỹ kế hơn 300 tỷ; Đầu tư vào Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội HUD.VN hơn 161 tỷ đồng nhưng đến nay cũng lâm vào thua lỗ…
HUD cũng bị Thanh tra Chính phủ xác định còn để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm như bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh. Dự án Văn Quán chưa quyết toán đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chưa tuân thủ đầy đủ quy định trong quản lý, sử dụng tài sản cố định, đầu tư sau quy hoạch chi tiết được duyệt, xây dựng tăng căn hộ và tăng sàn chung cư để kinh doanh thu lợi.
Với kết quả trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát xử lý theo pháp luật để HUD khắc phục tồn tại và nộp các loại tiền nợ đọng sử dụng đất của Nhà nước, tiền chênh lệch giá thành và giá bán trên 12.000m2… Yêu cầu HUD nộp ngân sách Nhà nước hơn 262 tỷ đồng; Bộ Tài chính xử lý 278 tỷ đồng tiền vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án chưa quyết toán…
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể cá nhân liên quan đến khuyết điểm, vi phạm cụ thể giai đoạn từ tháng 9/2011 về trước.
Cụ thể, hội đồng thành viên HUD với 7 người do ông Nguyễn Hiệp làm chủ tịch, Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Nam phải chịu trách nhiệm đối với những tồn tại, vi phạm trong quyết định đầu tư vượt quá năng lực.
Giai đoạn từ tháng 9/2011 tới tháng 11/2012 Hội đồng HUD gồm 6 thành viên với chủ tịch là ông Nguyễn Đăng Nam, ban giám đốc do ông Nghiêm Văn Bang đứng đầu phải chịu trách nhiệm với việc chưa khắc phục được những khuyết điểm, tồn tại về quản lý tài sản, tài chính.
Tại chỉ đạo mới đây, Thứ trưởng Xây dựng Bùi Phạm Khánh yêu cầu Tổng công ty tổ chức tự kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, thực hiện yêu cầu xử lý về kinh tế theo kết luận thanh tra nêu trên và báo cáo Bộ trưởng chậm nhất trước ngày 30/6/2015