Đề xuất lựa chọn Tập đoàn T&T làm đối tác chiến lược khi cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông Vận tải của Bộ Giao thông là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều nhất khi các Bộ góp ý cho đề án cổ phần hóa cơ sở khám chữa bệnh công lập đầu tiên.
Với vốn điều lệ được xác định 168 tỷ (tương đương 16,8 triệu cổ phần), cơ cấu phát hành lần đầu của bệnh viện lớn nhất ngành giao thông là Nhà nước giữ lại 30% vốn, 30% bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán công khai 31,3%, còn lại bán ưu đãi cho người lao động. Riêng 30% dành cho nhà đầu tư chiến lược, đề án đưa ra lựa chọn bán cho Công ty cổ phần Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển.
Cho ý kiến về đề án kể trên của ngành giao thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lãnh đạo bộ chủ quản của bệnh viện cân nhắc lại lựa chọn nêu trên trong số 4 doanh nghiệp muốn được tham gia làm cổ đông chiến lược khi IPO.
“Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Bệnh viện thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thông qua đấu giá giữa các nhà đầu tư, đảm bảo thu được lợi ích cao nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp”, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo ý kiến của Bộ Tài chính, trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho bệnh viện, Bộ Giao thông “nên ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh và chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực”.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, không nên hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia, vì hiện nay, quy định cho phép tối đa có thể đến ba nhà đầu tư chiến lược.
Vấn đề “hàng rào kỹ thuật” mà đề án của Bộ chủ quản đặt ra cho nhà đầu tư chiến lược là phải có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên cũng bị cơ quan quản lý Tài chính cho là không cần thiết. “Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, không nhất thiết phải quy định như vậy”, văn bản góp ý của Bộ Tài chính nêu rõ.
Đề án của Bộ Giao thông cũng dự kiến sau IPO, Nhà nước vẫn giữ 30% vốn điều lệ với bệnh viện. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, lý do mà cơ quan chủ quản đưa ra nhằm “đảm bảo sự ổn định và kế thừa” là chưa thực sự thuyết phục.
“Nhà nước không cần nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ y tế. Hơn nữa, tỷ lệ nắm giữ 30% vốn điều lệ không có nhiều ý nghĩa khi biểu quyết, hoặc phủ quyết những vấn đề quan trọng của doanh nghiệp cổ phần”, ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.
Còn theo Bộ Y tế, việc thí điểm cổ phần hóa bệnh viện là vấn đề mới khi chuyển đổi mô hình đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần. Hiện chưa có hành lang pháp luật quy định hướng dẫn cụ thể, nên chủ trương và thẩm quyền cần phải do Thủ tướng quyết định.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý y tế đề nghị cần làm rõ tôn chỉ mục đích, ngành nghề kinh doanh cũng như mục tiêu chiến lược sau khi chuyển đổi mô hình theo hướng phải đảm bảo ngành nghề kinh doanh là cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh là chính.
Trong chỉ đạo mới nhất, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến các bộ, trình Thủ tướng quyết định.
Trước đó, tại tờ trình gửi Chính phủ hồi tháng 3 về phương án cổ phần hóa bệnh viện Giao thông giao thông vận tải, giá trị doanh nghiệp này được xác định là 158,5 tỷ đồng. Trong đó, giá trị phần vốn Nhà nước là 136,5 tỷ đồng.
Đề án xác định nhà đầu tư chiến lược, điều kiện đặt ra theo đề án là doanh nghiệp phải trong lĩnh vực đầu tư khám chữa bệnh hoặc cung cấp thiết bị y tế có số vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng. Nếu là nhà đầu tư tài chính thì vốn điều lệ gấp 10 lần con số nêu trên.
Tại thời điểm đó, ngoài Tập đoàn T&T, Bộ Giao thông còn nhận được đơn xin tham gia làm cổ đông chiến lược của Tập đoàn Vingroup và 2 đối tác nước ngoài đến từ Singapore và Malaysia