Giao dịch hàng hóa thông qua Sở Giao dịch là tất yếu của nền kinh tế
Trên thế giới, hoạt động giao dịch hàng hóa thông qua các Sở Giao dịch đã hình thành và phát triển từ thế kỷ 19. Sở Giao dịch Chicago (CME Group) được thành lập từ năm 1848 và Sở Giao dịch Kim loại London (LME) thành lập từ năm 1877 là minh chứng rõ nhất cho sự lâu đời và uy tín của thị trường này. Trải qua rất nhiều sự kiện lịch sử trong hàng trăm năm qua, các Sở Giao dịch Hàng hóa vẫn tồn tại và mở rộng như một phần tất yếu trong hoạt động giao thương hàng hóa trên toàn thế giới. Giải quyết được các vấn đề của giao dịch hàng hóa trực tiếp như tính minh bạch, tính thanh khoản, sự hạn chế trong bảo quản chất lượng hàng hóa,…các Sở Giao dịch Hàng hóa đã trở thành cầu nối không thể tách rời giữa người mua và người bán trên thị trường quốc tế.
Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đã sớm hội nhập với giá hàng hóa trên các Sở Giao dịch thế giới từ những năm 2000. Đối với ngành cà phê, giá xuất khẩu Robusta tại Việt Nam neo theo giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE). Giá cà phê trên Sở ICE tăng hay giảm sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới giá xuất khẩu của các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới giá bán ra từ bà con nông dân tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ. Theo thời gian, sự liên kết này càng trở nên chặt chẽ và độ trễ của tác động từ giá thế giới gần như đã bị xóa nhòa. Với sự phát triển của công nghệ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, bà con nông dân đã có thể theo dõi giá cà phê đang giao dịch trên Sở ICE và điều chỉnh mức giá bán phù hợp và có lợi nhất.