Điều này phần lớn nhờ xu hướng dịch chuyển địa điểm và vốn đầu tư vào Malaysia của các tập đoàn hàng đầu toàn cầu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA) Wong Siew Hai, 20% hàng xuất khẩu được chuyển tới Mỹ, từ đó giúp Malaysia trở thành nhà cung cấp lớn nhất (chất bán dẫn) cho nền kinh tế số một thế giới.
Đứng thứ sáu trên thế giới về xuất khẩu chất bán dẫn, Malaysia đang chiếm 7% thị phần toàn cầu.
Lĩnh vực bán dẫn của nước này đã cho thấy sự “bền bỉ” trong năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu chỉ giảm 3% so với năm 2022, trong khi doanh số của ngành này trên toàn cầu giảm tới 8,2%.
Chủ tịch MSIA cho biết, để duy trì vị thế này, Malaysia cần xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD vào năm 2030, gần gấp đôi so với năm 2023.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng Malaysia đang phải đối mặt với sự cạnh tranh cao từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ. Mặc dù vậy, Malaysia vẫn nổi bật hơn nhờ có những tên tuổi lớn đã đầu tư vào nước này.
Ông Wong cho biết, Intel đã công bố ý định đầu tư 7 tỷ USD, trong khi số vốn đầu tư của công ty bán dẫn AT&S (Áo) là 1,7 tỷ euro (1,84 USD), của Infineon là 5 tỷ euro và chưa kể đến các khoản đầu tư nhỏ khác dưới 50 triệu USD.
Công ty bán dẫn AT&S đã mở nhà máy ở Kulim, bang Kedah vào tháng 1/2024 để sản xuất chất nền mạch tích hợp cho các vi mạch thế hệ tiếp theo. Intel cũng công bố các nhà máy chế tạo ở Ohio, Arizona (Mỹ) và ở Đức.
Công ty TSMC của Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy chế tạo ở Arizona, cũng là nhà máy thứ hai ở đây, trong khi đã khánh thành nhà máy đầu tiên tại Nhật Bản trong năm 2024. Samsung và các công ty Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy trung và cao cấp.
Ông Wong nhận định các công ty bán dẫn đều đang tăng cường năng lực để đón đầu sự tăng trưởng. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang đầu tư vào ngành bán dẫn nhằm tận dụng sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này.