Sắp đấu giá nhập khẩu 98.700 tấn đường trong năm 2019
Theo
vietnambiz.vn, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2019/TT-BCT hướng dẫn về đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019, có hiệu lực từ ngày 2/11 đến 31/12/2019. Theo Thông tư, lượng đường (mã số HS 1701) thí điểm đấu giá nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 là 98.700 tấn.
Đối tượng áp dụng là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2019.
Được biết, tổng số lượng đường đấu giá năm 2018 tại Phiên đấu giá sáng ngày 26/9 là 94.000 tấn đường (mã HS 17.01); trong đó có 65.000 tấn đường thô, 29.000 tấn đường tinh luyện.
Báo động 'đỏ' về biến đổi khí hậu lên sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL
Thông tin từ
vietnambiz.vn, xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo cũng khá ảm đạm tại các thị trường trọng điểm.
Phó Chủ tịch Hội Nông Dân Việt Nam cho biết vùng ĐBSCL có diện tích trên 4 triệu ha, trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 811.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, với dân số 17,8 triệu người.
ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo, trong đó, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, hơn 70% lượng thủy sản và hơn 36% lượng trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL hiện đang gặp thách thức rất lớn do tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa và cây ăn quả của vùng.
Theo dự báo, ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo, diễn biến khí hậu hiện đã và đang gây bất lợi cho sản xuất, sinh kế và đời sống của người dân ở đây. Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ kiềm hãm phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
Hiện nay, mực nước biển dâng 0,19 cm mỗi năm. Dự báo nước biển sẽ dâng cao thêm 100 cm vào năm 2100. ĐBSCL chỉ cao hơn mực nước biển trung bình từ 0 - 4 m, nên khả năng chìm dưới mặt biển khá lớn. Đã có 9/13 tỉnh ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Giá tôm nguyên liệu tăng
Theo
baotintuc.vn, giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu tăng mạnh trở lại, hiện tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 170.000 - 190.000 đồng/kg; loại 40 con/kg từ 128.000 - 140.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 80 - 100 con/kg giá từ 85.000 - 95.000 đồng/kg; trong đó giá tôm thẻ tăng mạnh nhất từ 40.000 - 50.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm.
Nguyên nhân giá tôm nguyên liệu tăng mạnh do nguồn cung thiếu cầu, trong đó phần lớn diện tích nuôi tôm quảng canh vừa cải tạo thả nuôi mới, khoảng 1 - 2 tháng tới mới có tôm. Riêng diện tích tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh chưa đến ngày thu hoạch, hoặc do giá tôm thẻ rớt giá trong thời gian dài, nhiều diện tích chuyển sang nuôi tôm sú hoặc "treo ao" dẫn đến sản lượng tôm thẻ giảm mạnh.
Hơn nữa, hiện nay sản lượng tôm nuôi ở các nước lân cận cũng giảm mạnh, hết vụ thu hoạch, trong khi đó các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, Tết, thị trường cuối năm khiến giá tôm nguyên liệu tăng cao.
Tuy nhiên, trong sản xuất phải lựa chọn con nuôi phù hợp, tuân thủ lịch thời vụ, cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật, lựa chọn con giống chất lượng, tuyệt đối không thả nuôi ồ ạt chạy theo giá cả thị trường… Đồng thời, trong sản xuất phải đảm bảo giữ môi trường nước sạch, không làm ô nhiễm môi trường nuôi, phòng ngừa dịch bệnh trên tôm nuôi.
Ngành cá tra phát triển quá nóng
Theo tin từ
baomoi.com, thời gian qua, diện tích nuôi trồng cá tra ghi nhận sự gia tăng ồ ạt, khiến sản lượng tăng nhanh. Cùng với đó, các thị trường XK chủ lực của cá tra như Trung Quốc, Mỹ ngày càng gia tăng rào cản. Tất cả đang đẩy toàn ngành vào tình cảnh khó khăn chất chồng Trong tháng 8, giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có xu hướng nhích nhẹ khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, nhưng vẫn còn rất thấp so với giá thành sản xuất của nông dân. Giá dao động trong khoảng 21.500-22.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại là 20.500-21.000 đồng/kg. Lượng bắt của các DN ổn định, nhu cầu chưa cao.
Dù đã nhích lên, song dễ thấy với mức giá bán hiện tại, người nuôi cá tra vẫn đang trong cảnh giá bán dưới giá thành, càng bán càng lỗ. Ông Dương Nghĩa Quốc-Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá: Với mức giá bán như hiện tại, nông dân lỗ ít nhất là 3.000 đồng/kg.
Nhiều quan điểm cho rằng, mấu chốt là bởi những khó khăn đến từ thị trường Trung Quốc và Mỹ. “Nguyên nhân giá giảm là do XK giảm mạnh, đặc biệt là XK sang 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Ông Quốc phân tích: Gần đây, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc để thúc đẩy XK và giảm NK đã làm giảm lượng hàng hóa vào thị trường này.
Bên cạnh đó, kế hoạch “nội địa hóa” cá tra Trung Quốc cũng đang được Chính phủ nước này khuyến khích và đầu tư. Vì vậy, dù từ nay đến cuối năm, XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) dự báo vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không đạt được con số như kỳ vọng.
"Với thị trường Mỹ, dù vẫn đứng thứ 2 trong các thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam nhưng XK cá tra sang thị trường Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm trong các tháng tới do nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại. Nguyên nhân giảm sút chủ yếu còn do nhu cầu NK của Mỹ giảm do lượng hàng còn nhiều. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm kiếm nguồn NK khác từ Canada, Ấn Độ, Chi lê, Indonesia…", ông Quốc nhấn mạnh.
Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cũng đưa ra dự báo, 2 quý cuối năm 2019, XK cá tra sang thị trường Mỹ nhiều khả năng còn tiếp tục giảm. Rào cản thương mại và kỹ thuật đang tiếp tục gây trở ngại cho các DN Việt Nam tại thị trường này.
Tôm hùm Mỹ tăng giá đột biến
Theo
vnexpress.net, sau hơn một tháng giảm giá, hiện tôm hùm Mỹ tăng 30% so với trước đó, lượng hàng nhập khẩu về Việt Nam cũng giảm mạnh. Nếu cuối tháng 7 đầu tháng 8, tôm hùm Alaska được các cửa hàng bán với giá 700.000 đồng một kg thì nay tăng lên 1,1 triệu đồng.
Hơn tuần nay, lượng tôm hùm từ Mỹ về Việt Nam giảm mạnh do giá nhập tăng cao, trong khi đó, các khâu kiểm tra khắt khe hơn nên hàng về chậm.
Có 4 yếu tố khiến giá tôm tăng đột biến. Thứ nhất, sau một thời gian bị Trung Quốc áp thuế 25% thì các công ty cung cấp hải sản lớn của Mỹ đã mở thêm công ty tại Canada. Bởi, từ Canada xuất hàng về Trung Quốc thuế thấp. Thứ hai, Trung Thu, các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc có nhu cầu về tôm hùm cao khiến hàng khan hiếm và trở nên đắt. Thứ ba là vì 1/10 là ngày quốc khánh Trung Quốc nên các công ty tại đây mua số lượng lớn để trữ. Cuối cùng là do nguồn cung đánh bắt hạn chế vì nhiều vùng biển bị cấm khai thác so với trước đây.
Theo Globalnews, tôm hùm Alaska của Mỹ đang ngày càng dịch chuyển nhiều sang Canada do ngư dân nước này đánh bắt một loại tôm giống hệt tôm hùm Mỹ. Do đó, hoạt động kinh doanh tôm ở Canada những tháng gần đây bùng nổ, các máy bay chở hàng liên tục di chuyển đến Halifax (Nova Scotia) và Moncton (New Brunswick). Stephanie Nadeau, một doanh nhân kinh doanh tôm hùm ở Maine vừa sa thải một loạt nhân viên cho rằng, không có thị trường nào mà tiêu thụ tốt như Trung Quốc. Do đó, nước này buộc phải tìm cách để sống sót.
Dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy, 6 tháng đầu năm nước này đã xuất khẩu hơn 2,2 triệu kg tôm hùm sang Trung Quốc, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại Canada, xuất khẩu sang Trung Quốc đến tháng 6 đã đạt gần 33 triệu bảng, gần bằng cả năm 2018. Giá trị xuất khẩu của Canada đã gần 200 triệu đôla Mỹ tính đến tháng 6 và gần như chắc chắn sẽ vượt xa năm ngoái, tổng cộng hơn 223 triệu đôla. Xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc tháng 6 được định giá dưới 19 triệu đôla, chậm hơn 70 triệu đôla so với năm ngoái.
Cách đây hơn một tháng, tôm hùm Alaska Mỹ bán ở Việt Nam có trọng lượng 400-500 gram giá chỉ 500.000-700.000 đồng một kg. Riêng với loại trên một kg, giá cũng chỉ khoảng 800.000 đồng. Giá rẻ hơn tôm hùm Việt tới 10-20%. Nguyên nhân là do Mỹ đang đúng mùa đánh bắt. Trong khi đó, nguồn cung năm nay dồi dào mà thị trường tiêu thụ không kịp nên giá giảm mạnh. Song song đó, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến giá tôm nước này lao dốc.
Nguồn: VITIC