Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, nông sản Việt lao đao
Theo infonet.vn, hàng loạt nông sản Việt như mít, dứa, khoai lang, mực xà khô...bị rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra vì Trung Quốc thay đổi chính sách, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch.
Tháng 6 mít Thái đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng giá bán 15.000 đồng/kg loại I, 12.000 đồng/kg loại II và 8.000 đồng/kg đối với loại III. Bình quân giảm gần 35.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng. Nguyên nhân do thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất riêng.
Tháng 6/2019, ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 320 triệu USD, giảm 10% so với tháng 5/2019 và giảm 1,8% so với tháng 6/2018. Tháng 5/2019, Trung Quốc tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam đạt 245 triệu USD, giảm 32,7% so với tháng 4/2019 và giảm 4% so với tháng 5/2018; Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Cũng theo báo cáo, một trong những nguyên nhân xuất khẩu giảm là do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu.
Trước đó, Vụ Thị trường Châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã thông báo, từ tháng 5/2019, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu xuất khẩu sang thị trường này.
Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói này phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Nhôm Trung Quốc phá giá thị trường, nhôm Việt gặp khó
Thông tin từ vtc.vn, ngành nhôm Việt đang gặp khó khăn vì nhôm Trung Quốc giá rẻ phá giá thị trường khủng khiếp.
Với thị trường châu Âu, cơ hội có rất nhiều, dư địa xuất khẩu lớn nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách thuế, để vào được thị trường EU, trước tiên các doanh nghiệp phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó. Các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ về nội dung hiệp định thương mại Việt Nam - EU, trong đó về xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam còn đuối nên cần khắc phục, bổ sung điều kiện doanh nghiệp.
Chia sẻ về tác động của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các chuyên gia kinh tế cho rằng FTA được kỳ vọng là động lực tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt cả về số lượng và giá trị. Tuy nhiên, trong thương mại hàng hóa luôn có hai phần là quy tắc xuất xứ và cắt giảm thuế quan. Sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta chỉ nói về thuế quan mà không nói về quy tắc xuất xứ.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thuỳ, Việt Nam tham gia tổng cộng 16 FTA. Các FTA đầu tiên mà Việt Nam tham gia là FTA khu vực, với các đối tác trong khu vực ASEAN hoặc với các đối tác chung của ASEAN trong khu vực châu Á. Tất cả các FTA này đều là FTA truyền thống, chủ yếu tập trung vào việc mở cửa thị trường hàng hóa.
Những FTA Việt Nam tham gia sau này phần lớn là các FTA song phương hoặc đa phương, với các đối tác xa hơn về địa lý (châu Âu, châu Mỹ). Về nội dung, đa số các FTA này là FTA thế hệ mới, bao trùm nhiều lĩnh vực, vấn đề cả thương mại và phi thương mại.
Cần xây dựng chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản liên vùng
Theo bnews.vn, xây dựng chuỗi liên kết và kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng miền chính là chìa khóa để nông sản Việt giữ vững thị trường trong nước và từng bước chinh phục thị trường thế giới.
Nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam nói chung, các tỉnh phía Bắc nói riêng, đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức về năng lực sản xuất và áp lực cạnh tranh của nông sản ngoại nhập.
Trong bối cảnh đó, xây dựng chuỗi liên kết và kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng miền chính là chìa khóa để nông sản Việt giữ vững thị trường trong nước và từng bước chinh phục thị trường thế giới.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản hợp tác xã phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/7.
Các tỉnh phía Bắc có khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa độ cao của địa hình tạo nên những tiểu vùng sinh thái đa dạng, có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới như: chuối, xoài, dứa; một số loại ăn quả á nhiệt đới như vải, nhãn, hồng, cây có múi và một số cây ăn quả ôn đới độc đáo riêng có của vùng như: lê, đào, mận, mơ…
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay chất lượng nông sản trái cây của Việt Nam không đồng đều, ổn định, hạ tầng giao thông và công nghệ bảo quản hạn chế khiến nông sản giảm chất lượng nhanh
Bên cạnh đó, phải đầu tư cho mẫu mã, bao bì để nâng cao giá trị cho sản phẩm, không chỉ giúp trái cây Việt giữ vững được thị trường trong nước mà còn tạo nền tảng để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Cảnh báo về tình trạng nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa bị suy giảm
Theo sggp.org.vn, Tổng cục Môi trường vừa công bố một báo cáo cho thấy, diện tích che phủ rừng của khu vực phía Nam giảm đáng kể từ 39,7% (năm 2016) xuống chỉ còn 33% (năm 2018). Bên cạnh đó, tình trạng nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa bị suy giảm rất đáng cảnh báo, với 80% giống cây trồng đã mất, giống vật nuôi suy giảm gần 10% mỗi năm.
Theo đó, năm 2018, diện tích rừng ở 32 tỉnh phía Nam hiện có 5,69 triệu ha; diện tích rừng tự nhiên là 4,1 triệu ha; diện tích rừng trồng là 1,59 triệu ha; diện tích che phủ là 33%. Trong khi đó, vào năm 2016, tổng diện tích ở 32 tỉnh phía Nam có hơn 5,7 triệu ha; diện tích rừng tự nhiên trên 4,11 triệu ha; diện tích rừng trồng 1,77 triệu ha; diện tích che phủ tới 39,7%.
Nhằm bảo tồn nguồn gen, các nhà khoa học nước ta đã bảo tồn và lưu giữ hơn 14.000 nguồn gen của trên 200 loài cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu, cây dược liệu và một số loài cây trồng khác.
Đồng thời, cũng bảo tồn và lưu giữ được 25 giống lợn (15 giống nội), 24 giống bò (7 giống nội), 40 giống gà (17 giống nội), 3 giống trâu (2 giống nội)...; thu thập được hàng nghìn loài động thực vật, trong đó, có 26 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn và lưu giữ được 70 giống vật nuôi và gia cầm có nguy cơ tuyệt chủng.
Đối với công tác bảo tồn chuyển chỗ, hiện đã có 28.028 nguồn gen cây trồng nông nghiệp đang được lưu giữ bảo quản. Kết quả đã tuyển chọn được 30 nguồn gen lúa đặc sản, 5 nguồn gen rau, 3 nguồn gen khoai môn, 2 nguồn gen hoa bản địa. Đến nay, 80% nguồn gen vật nuôi được bảo tồn đã được đánh giá.
Tuy nhiên, tình trạng nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa bị suy giảm vẫn rất đáng cảnh báo, với 80% giống cây trồng đã mất, giống vật nuôi suy giảm gần 10% mỗi năm. Sự hao hụt nguồn gen ở nước ta hiện nay một phần do sự thay thế các giống năng suất thấp (bản địa) bằng các giống/dòng cao sản từ các nước phát triển.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet