Cần xử phạt nghiêm túc về giống chất lượng thấp!
Sáng nay (21-8), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2018.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện Chăn nuôi Việt Nam cho hay nguyên nhân người chăn nuôi gà luôn gặp rủi ro và lỗ là ngành gà phụ thuộc vào giống nhập cao, thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập nhiều, đặc biệt là xu hướng thích xài thuốc ngoại hơn thuốc nội của người chăn nuôi.
Trong chuỗi giá trị phân chia lợi nhuận, người sản xuất chỉ chiếm 5% còn lại là thương lái bán lẻ và bán buôn chiếm tới 32%.
“Nhìn chung chăn nuôi thời gian qua chỉ chạy đua theo số lượng, kể cả doanh nghiệp FDI, không ai đặt bài toán xuất khẩu. Cách đây 5 năm, Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP đặt mục tiêu xuất khẩu nhưng chủ yếu là nuôi gà bán cám là chính. Với một ngành hàng sản xuất có nhiều đặc điểm khó khăn thì rủi ro là tất yếu”, ông Sơn nói.
Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Trung đại diện Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho hay, tình hình chăn nuôi gia cầm trong nước dịch bệnh còn quá nhiều, điều kiện chăm sóc chưa nghiêm túc. Ngoài ra, chi phí thức ăn cao, chất lượng thức ăn không đảm bảo. Quy mô sản xuất nhỏ quá dẫn đến giá thành không thể cạnh tranh dù làm tốt mọi điều.
Trước những lo lắng của doanh nghiệp, khi Việt Nam hội nhập sâu, điều kiện để gà công nghiệp tràn lan vào thị trường, ông Trung, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, xu hướng này là tất yếu. Và muốn kiểm soát được chỉ có cách chống gian lận thương mại và xây dựng hàng rào thuế quan quyết liệt.
Theo ông Trung, người chăn nuôi không nên quá say sưa tập trung vào gà chăn thả bởi thực tế cho thấy, giá gà công nghiệp nhập vào chỉ chưa bằng một nửa so với gà trong nước.
“Chi phí sản xuất ở Việt Nam cao vì chất lượng giống chưa tốt. Trong đó có trách nhiệm quản lý Nhà nước, cần phải có quy định cụ thể và xử phạt nghiêm túc về giống lởm. Muốn phát triển gà công nghiệp cứ học Thái Lan”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, để cạnh tranh được với con gà các nước khác như Thái Lan, Mỹ thì trước hết giống nhập phải tốt để tăng năng suất, giảm giá thành. Nếu như trước đây nhập khẩu giống bố mẹ nhiều thì nên chuyển nhập giống ông bà để tự sản xuất giống gà bố mẹ cung cấp trong nước. Nếu làm được điều này thì rẻ khoảng 20% so với giống hiện tại.
Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết Thái Lan thành công được bởi hầu hết gà chế biến xuất khẩu đều do 5-6 tập đoàn phụ trách.
Ông Trung kiến nghị: “Nếu không hình thành chuỗi liên kết sớm thì rất khó. Chính phủ nên có cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đứng ra đầu tàu hình thành chuỗi liên kết, có hỗ trợ ban đầu như đào tạo, xây dựng thương hiệu…”.
Cử cán bộ đi học nuôi gà ở Thái Lan
Liên quan đến những nghi ngờ chất lượng gà Mỹ nhập khẩu trong thời gian vừa qua, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho rằng Bộ NN&PTNT cần thống nhất với Tổng cục Thống kê về số liệu ngành hàng gia cầm nhập khẩu, bởi thực tế hai con số này đang chênh nhau rất lớn.
Cơ quan quản lý liên quan phải nghiên cứu kỹ tìm ra biện pháp kiểm soát nhập khẩu, tránh gian lận thương mại, phải xem doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam có thông đồng với các nước khác hay không. Hơn nữa, cần dựng hàng rào thương mại, yêu cầu công nghệ bảo quản lạnh như thế nào, nếu lạc hậu không cho nhập khẩu.
“Tôi cũng đề nghị Cục Thú y thừa lệnh Bộ kiểm soát chặt hàng rào kỹ thuật, kiểm tra đạt chỉ tiêu nghiêm ngặt, sâu sát việc này. Trong quy định thú y của EU rất chặt chẽ, Mỹ có 16 bang có dịch mà thịt vẫn cứ vào Việt Nam. Tôi rất tình nghi chỗ quản lý của Cục thú y có vấn đề. Đề nghị Cục này nâng cao chất lượng”, ông Lịch bức xúc nói.
|
Gà CP đang chiếm lĩnh thị trường gà đông lạnh VN |
Ngoài ra, cũng theo ông Lịch, dù vào TPP, WTO nhưng Chính phủ vẫn có thể hỗ trợ được cho các doanh nghiệp như đầu tư khu công nghiệp, mở đường điện nước vào gần trại để DN thuận lợi trong chăn nuôi. Thậm chí, nếu doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vừa phải sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, nhìn tổng thể, ngành chăn nuôi gà Việt Nam có khả năng cạnh tranh quá thấp, đặc biệt trong thời gian Việt Nam hội nhập sâu, nếu không có biện pháp cấp thiết sẽ thua ngay trên sân nhà.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, ngành chăn nuôi phải hành động chứ không thể chỉ kêu ca mà không làm gì. Hướng tới ngành chăn nuôi gà phát triển mạnh hơn, tỷ trọng sản phẩm gia cầm trong bữa ăn người Việt cao hơn nữa, giảm bớt thịt lợn, tiến tới xuất khẩu.
“Tôi cũng rất đau đáu vấn đề tại sao Thái Lan ngay cạnh Việt Nam, họ XK 4 tỷ USD/năm mà Việt Nam lúc nào cũng loay hoay, lo lắng. Tôi đã đặt hàng với Cục chăn nuôi và Cục Thú y, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi gà như Thái Lan. Các đồng chí đi khảo sát đi xem Thái Lan làm thế nào, giống, thức ăn, chuồng trại, tổ chức sản xuất, hệ thống kinh doanh thương mại… thấy cái gì hay thì học tập”, Bộ trưởng Phát nói.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng đầu năm, tổng số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đông lạnh làm thực phẩm (thịt bò, trâu, dê, cừu, heo, gà) NK của Việt Nam là 93.404 tấn, tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, sản phẩm thịt gà từ Mỹ là 45.651 tấn và chủ yếu là thịt đùi gà đông lạnh 44.256 tấn (chiếm tỷ lệ 97% sản phẩm thịt NK từ Mỹ).
Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, tất cả các lô hàng sản phẩm thịt gà đông lạnh từ Mỹ XK vào Việt Nam đều được các cơ quan thú y ở cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ và đều có nguồn gốc từ các bang không có dịch cúm gia cầm. Trong đó 9 mẫu lấy từ 9 lô hàng thịt đùi gà đông lạnh NK để xét nghiệm virus cúm gia cầm đều không phát hiện có virus cũng như không có chất tồn dư kháng sinh, hóc môn, kim loại nặng.
Kiều Linh