Theo Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Brazil (ORPLANA), từ ngày 22-24/8/2024, các vụ cháy đã phá huỷ khoảng 60.000 ha cây mía ở São Paulo. Hậu quả không chỉ tiềm tàng đối với các nhà sản xuất mà còn cả với người tiêu dùng, đồng thời dấy lên mối lo ngại về nguồn cung đường toàn cầu.
Các đám cháy đã gây thiệt hại lớn cho rễ của cây mía đang nảy mầm, có khả năng sẽ cần phải trồng lại và dẫn đến sản lượng thu hoạch giảm trong mùa vụ 2025, ngoài ra còn thiệt hại cho vụ thu hoạch 2024/25.
Hai trong số những nhà sản xuất đường lớn nhất của Brazil là Raizen SA và Sao Martinho, đã cung cấp thông tin thiệt hại ban đầu từ các vụ cháy này.
Raizen, Tập đoàn đường lớn nhất của đất nước, báo cáo khoảng 1,8 triệu tấn mía gồm cả mía lấy từ các nhà cung cấp, đã bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy. Con số này chiếm khoảng 2% tổng số dự kiến cho vụ mùa 2024/25 của họ. Raizen đã ưu tiên nghiền mía bị ảnh hưởng để giảm thiểu thiệt hại, mặc dù mía phải được xử lý nhanh chóng trước khi mất chất lượng.
Sao Martinho, một nhà sản xuất lớn khác, báo cáo 20.000 ha mía của họ đã bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại khoảng 110.000 tấn đường, tuy nhiên được bù đắp lại bởi sản lượng ethanol tăng lên. Sao Martinho cũng có kế hoạch đầu tư thêm 12,7 triệu USD để duy trì năng suất trong các vụ thu hoạch kế tiếp.
Các vụ cháy ở Brazil xảy ra vào thời điểm thị trường đường toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Đầu năm nay, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã dự báo, sản lượng đường toàn cầu sẽ giảm 2% trong mùa vụ 2023/24, chủ yếu do điều kiện thời tiết bất lợi ở các quốc gia sản xuất chính khác.
Hiện tượng thời tiết El Nino khiến thời tiết khô hơn bình thường ở Ấn Độ và Thái Lan, khiến sản lượng đường sụt giảm.
Năm 2023, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ, đã trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ, dẫn đến dự báo sản lượng đường sẽ giảm 8%. Thiếu hụt sản lượng khiến giá đường liên tục tăng lên. Chỉ số giá đường của FAO, theo dõi những thay đổi hàng tháng về giá đường quốc tế, đã báo cáo mức tăng 1,9% vào tháng 6/2024 và tăng 0,8% vào tháng 7/2024, đảo ngược ba tháng giảm liên tiếp.
Phiên hôm nay (18/9), giá đường thô SBc1 kỳ hạn tháng 10/2024 chốt mức 19,98 US cent/lb, tăng 4,2% so với phiên trước, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2024 ở 20,15 US cent/lb. Giá đường trắng LSUc1 giao cùng kỳ hạn tăng 2,4%, lên mức 535,7 USD/tấn.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2024 trên sàn ICE ngày 18/9

(Đvt: US cent/lb)

Bảng chi tiết giá đường thô các kỳ hạn trên sàn ICE ngày 18/9

(Đvt: US cent/lb)

Kỳ hạn

Giá mở cửa

Giá cao

Giá thấp

Giá mới nhất

Giá ngày hôm trước

Tháng 10/24

19,18

20,15

19,06

19,98

19,18

Tháng 3/25

19,61

20,49

19,48

20,37

19,59

Tháng 5/25

18,81

19,56

18,68

19,46

18,78

Tháng 7/25

18,30

18,96

18,20

18,88

18,29

Tháng 10/25

18,29

18,83

18,16

18,74

18,25

Tháng 3/26

18,51

18,95

18,37

18,88

18,46

Tháng 5/26

17,82

18,21

17,68

18,10

17,77

Tháng 7/26

17,44

17,78

17,30

17,65

17,39

Tháng 10/26

17,41

17,72

17,26

17,58

17,36

Tháng 3/27

17,66

17,99

17,66

17,86

17,67

Tháng 5/27

17,33

17,59

17,33

17,51

17,33

Chi phí đường tăng cao gây thêm áp lực cho các nhà sản xuất thực phẩm, nhiều người trong số họ đang phải vật lộn với chi phí sản xuất tăng, do giá năng lượng cao hơn và những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19. Một số nhà sản xuất có khả năng chuyển những chi phí này cho người tiêu dùng, khiến các sản phẩm có chứa đường như bánh kẹo, đồ nướng và đồ uống tăng giá.
Ở các nước đang phát triển, tác động của giá cả tăng là rất lớn, khi đường là thành phần chính trong nhiều sản phẩm thực phẩm.
Nigeria nhập khẩu 98% lượng đường thô và khi giá đường tăng cao đã dẫn đến những thách thức đáng kể cho các thợ làm bánh địa phương. Nhiều người trong số họ đã buộc phải cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn doanh nghiệp của mình.
Kenya, quốc gia từng tự cung tự cấp về sản xuất đường, hiện nhập khẩu 200.000 tấn mỗi năm từ các khối thương mại khu vực. Gần đây, quốc gia này đã tăng gấp đôi lượng đường nhập khẩu để ứng phó với tình trạng sụt giảm sản lượng đường trong nước giảm, từ tháng 6 - tháng 8 năm 2024. Do đó, giá một bao đường địa phương 50kg đã tăng gấp đôi, gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng.
Khi giá cả tiếp tục tăng và sản xuất của Ấn Độ ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Ấn Độ đã đề xuất một thay đổi đáng kể về quy định có thể ảnh hưởng đến thị trường đường toàn cầu. Chính phủ nước này đã đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm bán đường thô trong nước đã kéo dài sáu thập kỷ, một động thái có khả năng làm giảm lượng đường xuất khẩu của nước này.
Đề xuất này, một phần của dự thảo Lệnh kiểm soát đường năm 2024, nhằm mục đích tận dụng giá đường thô cao hơn so với đường tinh luyện. Sự thay đổi này cũng có thể mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp đường của Ấn Độ bằng cách cho phép các nhà sản xuất khai thác thị trường trong nước.
Thị trường đường toàn cầu cũng đang có sự chuyển dịch sang chất tạo ngọt thay thế, khi các nhà sản xuất tìm cách giảm thiểu tác động của giá đường tăng. Giá đường cao có thể đẩy nhanh quá trình cải tiến các sản phẩm ít đường.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Tradingcharts, Reuters, Ingredientsnetwork