Dầu cọ được sử dụng trong nhiều sản phẩm đa dạng từ sôcôla đến bánh ngọt, xà phòng, son môi và nhiên liệu sinh học. Ngoài ra, loại dầu nhiệt đới này cũng được sử dụng rộng rãi ở các nhà hàng Châu Á.
Nhu cầu nông sản tăng mạnh do lo ngại về thời tiết và mùa màng ở Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu cọ lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ đẩy giá dầu cọ vào cơn lốc tăng giá hàng hóa toàn cầu.
Dầu cọ, chủ yếu được sản xuất ở Indonesia và Malaysia, phổ biến đến mức có một nghiên cứu ước tính khoảng một nửa số sản phẩm đóng gói bán ở các siêu thị có chứa dầu cọ.
Mặc dù có những loại dầu có thể thay thế dầu cọ - như dầu đậu tương hay dầu hướng dương – nhưng giá của những sản phẩm thay thế này cũng đang tăng mạnh, trong bối cảnh giá hầu như tất cả mọi hàng hóa đều tăng đến mức gây lo ngại về nguy cơ lạm phát giá lương thực trên toàn cầu – hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 7 năm.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới. Trên thị trường châu Âu và Mỹ, mặt hàng dầu cọ đang đối mặt với nhiều sóng gió bởi lo ngại việc trồng cây cọ sẽ gây ra nạn chặt phá rừng, song giá loại dầu này vẫn tăng. Unilever là doanh nghiệp mua nhiều dầu cọ nhất trên thế giới để sản xuất các sản phẩm như kem, mỹ phẩm và xà phòng. Giá dầu cọ cao đẩy chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.
Loại dầu thực vật tiêu thụ nhiều thứ 2 thế giới là dầu đậu tương cũng đã tăng giá tới 150% trong 1 năm qua, trong khi giá dầu hướng dương Ukraina còn tăng gấp đôi.
Tiêu dùng dự kiến sẽ giảm và nếu xu hướng tăng giá này tiếp tục duy trì, có thể sẽ có một sự thay đổi trong thói quen ăn uống, thậm chí sở thích ăn uống có thể thay đổi hoàn toàn, theo Gnanasekar Thiagarajan, người phụ trách mảng chiến lược kinh doanh và phòng ngừa rủi ro của Kaleesuwari Intercontinental.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng dầu cọ toàn cầu năm 2021/22 sẽ tăng so với năm hiện tại, trong đó Indonesia chiếm phần lớn mức tăng. Tuy nhiên, thiếu lao động do Covid-19 vẫn là vấn đề nan giải của ngành dầu cọ.

Nguồn: VITIC/Bloomberg