Dầu thô Mỹ giảm 20 US cent, tương đương 0,2%, xuống 82,44 USD/thùng, sau khi tăng 1,7% trong phiên trước.
Dầu thô Brent giao sau giảm 19 US cent, tương đương 0,2% xuống 84,48 USD/thùng, sau khi tăng 1,3% vào hôm thứ Tư.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hôm thứ Tư cho thấy nhu cầu nhiên liệu đã bị ảnh hưởng bởi Omicron, với dự trữ xăng tăng 8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 7/1, khác so với các nhà phân tích là tăng 2,4 triệu thùng.
Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết: “Nhu cầu xăng dầu yếu hơn dự kiến và vẫn ở dưới mức trước đại dịch, và nếu điều này trở thành xu hướng, giá dầu sẽ không thể tiếp tục tăng cao hơn”.
Tuy nhiên, Moya nói thêm, tác động của Omicron dự kiến sẽ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trước đó, thị trường đưa thông tin sự sụt giảm lớn hơn dự kiến đối với tồn kho dầu thô và thực tế là kho dự trữ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2018, đẩy Brent và WTI chạm mức cao nhất trong hai tháng vào thứ Tư.
ANZ Research đã chỉ ra rằng số chuyến bay thương mại đang ở mức thấp hơn 16% so với mức của năm 2019 trong tuần tính đến ngày 11 tháng 1. Điều đó ít nhất là tốt hơn so với tuần cuối cùng của tháng 12, khi giảm 20% so với mức trước đại dịch, theo FlightRadar 24.
Tuy nhiên, nguồn cung của Mỹ sẽ tăng lên khi các nhà sản xuất đang sản xuất nhanh hơn bằng cách mở rộng các hoạt động ở mỏ dầu đá phiến hàng đầu của đất nước, lưu vực Permian ở phía tây Texas và New Mexico, theo dữ liệu nghiên cứu.

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt 90 USD/thùng trong quý III năm nay. Theo ngân hàng này, với triển vọng dự trữ dầu bị thu hẹp, công suất dự phòng thấp vào nửa cuối năm 2022 cùng các khoản đầu tư vào lĩnh vực dầu khí khá hạn chế, thị trường dầu mỏ có nguy cơ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.

Giá khí tự nhiên Mỹ giảm 12% trong phiên vừa qua, mất đi gần như toàn bộ mức tăng 14% của phiên liền trước đó, do dự báo thời tiết sẽ bớt lạnh và nhu cầu sưởi ấm trong tuần này và tuần tới đều giảm so với dự kiến.

Cụ thể giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 2 tại Mỹ ngày 13/1 giảm 58,7 US cent, tương đương 12,1%, xuống còn 4,270 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu). Vào thứ Tư (12/1), hợp đồng này đã tăng vọt lên mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26 tháng 11, mức tăng mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 9 năm 2020, sau khi cơ quan khí tượng dự báo thời tiết cuối tháng 1 sẽ rất lạnh.
Sau khi tăng 50% vào năm 2021, giá dầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, có thể lên mức 90 USD/thùng, thậm chí vượt mốc 100 USD/thùng do năng lực sản xuất hạn chế và đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ sụt giảm.
Dù biến thể Omicron lây lan mạnh làm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh và vượt mức đỉnh hồi năm ngoái, giới phân tích cho rằng nhiều chính phủ không sẵn sàng khôi phục các biện pháp phòng dịch vốn ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu, do đó sẽ có tác động tích cực tới giá dầu.
Chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA Jeffrey Halley cho hay trong trường hợp kinh tế Trung Quốc không suy giảm mạnh, biến thể Omicron không gây ra nhiều tác động bất lợi và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không tăng mạnh sản lượng, giá dầu Brent hoàn toàn có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng trong quý I/2022.
 

 

Nguồn: VITIC/Reuters