Giá vàng trong nước tăng nhẹ
Vào lúc 16h, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66 triệu đồng/lượng - bán ra 67 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 66,10 triệu đồng/lượng - bán ra 67,10 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 66,10 triệu đồng/lượng - bán ra 67,12 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.784 – 1.791 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 11/8 giao dịch quanh ngưỡng 1.784 - 1.791 USD/ounce, giảm 2 – 7 USD/ounce so với hôm qua. Báo cáo dữ liệu lạm phát tháng 7/2002 của Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI hàng năm tăng 8,5%, ít hơn 0,2 điểm % với mức tăng được dự báo là 8,5%. Như vậy, so với tháng trước, CPI hàng năm của Mỹ đã giảm mạnh 0,6 điểm %, từ 9,1% xuống còn 8,5. Điều này cho thấy lạm phát tại nước này bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều tháng liên tiếp tăng nóng.
Phản ứng thông tin trên, giới đầu tư tài chính mạnh tay bán "đồng bạc xanh" khiến USD giảm giá rất mạnh so với nhiều đồng tiền khác. Nhiều người cho rằng bóng ma lạm phát cao còn kéo dài vì kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Biểu hiện rõ nhất trong tháng 7/2022, nước này có thêm 528.000 việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 3,6% xuống còn 3,5%. Từ đó, thị trường suy đoán trong vài tháng tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng thêm lãi suất để kéo giảm lạm phát nhiều hơn nữa. Khi đó, đồng USD có thể tăng giá, tạo áp lực lên thị trường vàng.
Một diễn biến khác là do lạm phát tại Mỹ đi xuống, Trung Quốc ngừng tập trận quân sự xung quanh Đài Loan (Trung Quốc) đã thúc đẩy giới đầu tư đưa vốn vào cổ phiếu. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu đồng loạt xanh sàn. Đặc biệt tại phố Wall, các chỉ số Dowjones tăng mạnh 535 điểm, S&P 500 tăng 85 điểm, Nasdaq tăng 360 điểm. Nghĩa là dòng tiền chảy vào kim loại quý bị hạn chế, tác động tiêu cực đến giá vàng hôm nay.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm tiếp tục duy trì lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn nhưng một xu hướng tăng giá đang được hình thành trên biểu đồ ngày cho thấy thị trường đang tạo đáy.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm khi tâm lý rủi ro của nhà đầu tư được thúc đẩy bởi dữ liệu lạm phát hạ nhiệt của Mỹ. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, giá vàng cũng được hỗ trợ bởi đồng USD mất giá mạnh trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là căng thẳng Mỹ-Trung Quốc.
Thời gian gần đây, nhu cầu của người dân đối với kim loại quý, đặc biệt là vàng miếng, đã tăng mạnh ở Nga. Theo kết quả khảo sát của báo Kommersant về nhu cầu của người dân Nga đối với vàng miếng kể từ khi chính phủ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với việc bán kim loại quý, trong 5 tháng, khách hàng của Sberbank đã mua tổng cộng 10,9 tấn vàng miếng.
Giữa tháng 4, Ngân hàng ngoại thương Nga (VTB) thông báo đã bán 2 tấn vàng miếng cho khách hàng, nhưng ngân hàng này từ chối tiết lộ thêm số liệu gần đây.
Ngân hàng PSB cho biết, đã bán 1 tấn vàng miếng cho các khách hàng tư nhân trong 4 tháng gần đây, trong khi các ngân hàng lớn khác (RSHB, MKB, Sovcombank) cũng ghi nhận nhu cầu vàng cao, nhưng không công bố các chỉ số thống kê cụ thể.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng, đầu tư vào vàng sẽ là một giải pháp thay thế lý tưởng cho việc mua đồng USD trong bối cảnh tình hình địa chính trị không ổn định.
Nhu cầu mua vàng miếng tại Nga đã tăng ngay sau khi chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế. Ttrước đây, khi mua vàng miếng ở ngân hàng, khách hàng phải trả 20% thuế VAT. Ngoài ra, thuế thu nhập từ bán vàng miếng (với thuế suất 13%) cũng được bãi bỏ kể từ tháng Sáu vừa qua.
Chuyên gia Sergey Uskov, đồng sáng lập công ty tư vấn tài chính Aravana MFO xác nhận, sau khi các nhà chức trách hủy bỏ thuế VAT đối với việc mua bán vàng của người dân, nhu cầu đối với kim loại quý này thực sự tăng lên.
Chuyên gia trích dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) cho thấy, một khoản tiền mặt tương đương 1.000 tỷ Ruble (16 tỷ USD) đã được rút từ các khoản tiền gửi bằng đồng Ruble tại các ngân hàng trong nước.
Phần lớn dòng tiền này được đầu tư vào vàng. Ngoài ra, nếu nhìn vào cơ cấu nhu cầu đối với kim loại quý, có thể thấy rằng người dân quan tâm đến thỏi vàng tiêu chuẩn 1 kg và thỏi lớn 12,5 kg.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự vững chắc 1.850 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cũng là mức thấp nhất trong tháng 7 là 1.686,30 USD/ounce.

Nguồn: Vinanet/VITIC