Giá vàng trong nước tăng nhẹ
Vào lúc 16h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 56,60 triệu đồng/lượng - bán ra 57,22 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,60 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) - bán ra 57,15 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 56,60 triệu đồng/lượng - bán ra 57,20 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 56,70 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) - bán ra 57,15 triệu đồng/lượng (tăng 70.000 đồng/lượng).
Giá vàng chiều ngày 15/6/2021 thế giới giảm, trong nước tăng nhẹ
Giá vàng thế giới 1.863- 1.866 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.863 - 1.866 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng phục hồi nhẹ lên mức 1.870 USD/ounce trong phiên đêm qua nhưng hôm nay quay đầu giảm và hiện ở mức thấp nhất trong 4 tuần.
Cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu vào sáng 15/6 và sẽ kết thúc vào chiều 16/6 theo giờ địa phương. Giới phân tích dự đoán sẽ không có thay đổi lớn nào đối với chính sách tiền tệ của Fed nhưng sẽ vẫn tập trung vào quan điểm của cơ quan này đối với triển vọng lạm phát và khi nào ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu điều chỉnh các chính sách tiền tệ. Các quan chức Fed gần đây cũng đã ám chỉ về việc họ sẽ thảo luận về thời điểm giảm chương trình mua trái phiếu (nới lỏng định lượng).
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho hay, giá vàng cần được giữ trong phạm vi 1.840-1.845 USD/ounce để có thể giữ cho đà tăng đi đúng hướng. Điều đáng chú ý là vàng đã nhiều lần thất bại trong việc vượt qua ngưỡng 1.900 USD. Theo đó, yếu tố kĩ thuật đang xấu đi và khó thu hút người mua. Bên cạnh đó, giới đầu tư đang "án binh bất động" chờ đợi động thái tiếp theo của Fed.
Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập Colin nhận định, triển vọng giá vàng sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Fed với lạm phát. Nếu Fed vẫn quyết định chưa thắt chặt tiền tệ, thì lãi suất thực sẽ tiếp tục âm sâu hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng, đẩy giá vàng tăng mạnh hơn. Trường hợp Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, thì sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng, nhưng với điều kiện ngân hàng này phải tăng mạnh lãi suất. Dù trong ngắn hạn, giá vàng có thể vẫn tiếp tục điều chỉnh, củng cố, nhưng giới chuyên gia dự đoán, vàng sẽ tăng mạnh trong trung và dài hạn dựa trên một số cơ sở.
Thứ nhất, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), độ nhạy cảm của vàng đã trở nên tích cực hơn khi trạng thái mua ròng trên thị trường tương lai đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Thứ hai, các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) đã mua vàng trong tháng 5 - tháng đầu tiên mua vàng kể từ tháng 1/2021, với mức cao nhất kể từ tháng 9/2020. Hiện, tổng số lượng vàng mà các quỹ ETFs đang nắm giữ lên tới 3.628 tấn.
Thứ ba, theo kết quả khảo sát mới được công bố của WGC, có 21% các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong vòng 1 năm tới, trong khi không có ngân hàng trung ương nào dự kiến bán vàng trong năm nay.
Thứ tư, Fed có thể sẽ là ngân hàng trung ương cuối cùng thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Mỹ vẫn dự kiến tung ra các gói kích thích kinh tế mới và Fed duy trì lãi suất siêu thấp. Điều này sẽ khiến USD suy yếu và tác động tích cực đến giá vàng.
Các thị trường khác: Chỉ số đô la Mỹ yếu hơn; Giá dầu thô Nymex tăng lên 71,25 USD/thùng; Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức thấp khoảng 1,5%.
Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 8 vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lợi thế này đang nhạt dần khi xu hướng tăng giá kéo dài 9 tuần trên biểu đồ thanh hàng ngày đã bị phủ nhận.
Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc 1.900 USD. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc 1.810,7 USD/ounce.

Nguồn: VITIC