Theo ghi nhận vào lúc 02:15 GMT, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên mức 3.223,55 USD/ounce. Hợp đồng vàng tương lai của Mỹ cũng tăng 1,3%, đạt 3.228,70 USD/ounce.
Đợt tăng này diễn ra sau khi vàng giảm hơn 2% trong phiên giao dịch cuối tuần trước, ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý ưa rủi ro của nhà đầu tư khi thị trường lạc quan với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.
Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ (DXY) đã giảm 0,3%, khiến vàng được định giá bằng USD trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Theo ông Tim Waterer, chuyên gia phân tích thị trường trưởng tại KCM Trade, việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ đã khiến thị trường phản ứng theo hướng thận trọng, qua đó hỗ trợ đà tăng trở lại của giá vàng. Moody’s đã hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia cao nhất của Mỹ vào thứ Sáu tuần trước, là tổ chức xếp hạng cuối cùng trong nhóm “Big Three” thực hiện động thái này. Nguyên nhân được cho là do lo ngại ngày càng gia tăng về quy mô nợ công của Mỹ.
Giá vàng, vốn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế, thường có xu hướng tăng trong môi trường lãi suất thấp. Dữ liệu kinh tế mới đây cho thấy giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 4 giảm ngoài dự đoán, doanh số bán lẻ tăng chậm lại và lạm phát tiêu dùng thấp hơn kỳ vọng. Những yếu tố này củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 7 hoặc tháng 9 tới. Tuy nhiên, theo ông Waterer, tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại do ông Trump dẫn dắt sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến thời điểm Fed hành động.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng ghi nhận đà tăng. Giá bạc tăng 0,5% lên 32,42 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% đạt 990,71 USD/ounce, trong khi giá palađi tăng 0,5% lên 965,23 USD/ounce.