Xét về mặt cơ bản, kỳ vọng của thị trường về nguồn cung ở Brazil và Mỹ đều đang khá lạc quan. Ngược lại, nhu cầu của thế giới trong sản xuất thức ăn chăn nuôi lại có dấu hiệu chậm lại. Tại EU, nhập khẩu ngô trong tuần vừa rồi cũng đang chững lại và chỉ đạt 30,000 tấn. Tại Trung Quốc, nhu cầu dài hạn cũng sẽ hạn chế hơn. Năng suất và sản lượng ngô niên vụ 23/24 của Trung Quốc có thể đạt lần lượt 6.46 tấn/héc-ta và 278.7 triệu tấn, Refinitiv cho biết trong một báo cáo. Sau khi kho dự trữ ngô khổng lồ cạn kiệt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu ngô kể từ năm 2020. Thêm vào đó, sự xuất hiện của sâu bệnh và thiên tai đã hạn chế sự gia tăng sản lượng ngô của nước này. Những yếu tố trên đã khiến giá ngô nội địa ở Trung Quốc tăng vọt những năm gần đây, đem lại lợi nhuận cao cho các nhà sản xuất. Do đó, nông dân Trung Quốc được dự báo sẽ mở rộng diện tích canh tác ngô trong năm nay. Đây sẽ là cơ sở cho thấy nhu cầu của Trung Quốc đối với ngô Mỹ sẽ không còn mạnh mẽ như giai đoạn 2 năm qua.
Trong báo cáo Export Sales tối nay, bán hàng ngô Mỹ được dự đoán nằm trong khoảng khá rộng từ 100,000 – 800,000 tấn. Điều này xuất phát từ đơn mua hàng và huỷ hàng của Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng báo cáo này sẽ thiên về tác động “bearish”.

Thông tin cơ bản về nguồn cung diễn biến trái chiều, khả năng cao khiến giá cà phê giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/04, hai mặt hàng cà phê trở lại diễn biến trái chiều. Arabica khởi sắc khi Dollar Index suy yếu kết hợp với tồn kho đạt chuẩn trên Sở ICE duy trì tại mức thấp trong hơn 4 tháng trở lại đây. Ở chiều ngược lại, Robusta suy yếu nhẹ khi thị trường tiếp tục chú ý đến tiến độ thu hoạch tích cực tại Brazil.
Thông tin cơ bản trên thị trường vẫn chủ yếu xoay quanh các vấn đề về nguồn cung trong ngắn và trung hạn. Những thông tin này đang có yếu tố tác động trái chiều đến diễn biến giá.
Trong ngắn hạn, tình hình xuất khẩu khá bập bẹ tại Brazil khi những nhà quan sát cho rằng tồn kho từ phía nông dân đang bước vào tình trạng cạn kiệt, khiến khả tăng xuất khẩu tăng đột biến trước giai đoạn thu hoạch cà phê niên vụ mới gặp chút khó khăn. Cùng với đó, dù tốc độ giảm tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE đã chậm lại so với các tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức thấp nhất trong hơn 4 tháng và chưa có thông tin bổ sung nguồn mới. Đây tiếp tục là nhân tố góp phần hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, về trung hạn, nguồn cung có những tín hiệu tích cực hơn. Sản lượng cà phê nói chung và Arabica nói riêng tại Brazil trong niên vụ 2023/24 được giới chuyên gia nhận định sẽ nới lỏng so với 2 niên vụ trước khi điều kiện thời tiết trở lại bình thường. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp nông dân đẩy mạnh bán hàng hơn trong thời gian tới, từ đó bù đắp những thiếu hụt hiện tại và gây sức ép khiến giá giảm.

Giá đồng có thể tiếp tục giằng co chờ đợi chất xúc tác mới
Sau phiên phục hồi nhẹ ngày hôm qua, lực bán quay trở lại trên thị trường đồng trong phiên sáng 27/04 do triển vọng tiêu thụ đồng kém sắc tại Trung Quốc. Dự báo giá sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp chờ đợi dữ liệu kinh tế được Mỹ công bố tối nay.
Sáng nay, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục lao dốc cho thấy sự phục hồi kinh tế chậm. Cụ thể, lợi nhuận công nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 3 đã giảm tới 21.4% so với cùng kỳ năm 2022, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 12% mà giới phân tích dự báo. Chỉ riêng trong tháng 3, lợi nhuận công nghiệp đã giảm 19.2%.
Điều này cho thấy khu vực nhà máy vẫn hoạt động kém hiệu quả và nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để phục hồi hoàn toàn kể từ sau khi kết thúc chính sách Zero-Covid. Do vậy, triển vọng nhu cầu tiêu thụ đồng tại Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn còn kém sắc và gây áp lực tới giá đồng, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung đang được duy trì ổn định
Thêm vào đó, tối nay Mỹ sẽ công bố loạt dữ liệu kinh tế bao gồm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I, số đơn trợ cấp thất nghiệp và doanh số nhà chờ bán. Trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, giới phân tích dự báo doanh số bán nhà và GDP quý I đều tăng trưởng chậm lại, trong khi số người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp tăng cho thấy thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt. Trong khi đó, Mỹ đang phải đối mặt với rủi ro tăng trần nợ liên bang.
Điều này có thể làm trầm trọng thêm lo ngại suy thoái kinh tế tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, và làm giảm triển vọng tiêu thụ đồng. Tuy vậy, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ, đồng USD có thể giảm và hạn chế đà giảm mạnh của giá đồng trong phiên.
