Giá dầu lao dốc 3%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/04, giá dầu thô WTI giảm 3,59% về 74,30 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,81% về 77,69 USD/thùng. Giá của cả hai mặt hàng dầu thô hiện đang ở mức thấp nhất trong gần một tháng.
 
Sắc xanh xuất hiện vào đầu phiên, sau khi Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/04 ghi nhận mức giảm mạnh 6,1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng.
Tuy nhiên, sức ép bán gia tăng từ phiên chiều khi mà các nhà đầu tư lo ngại về việc triển vọng tiêu thụ kém, bởi nhu cầu của Trung Quốc hiện vẫn phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng, đồng thời, thị trường cũng đang dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Áp lực này khiến cho giá dầu lao dốc bất chấp các số liệu từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, tồn kho dầu giảm 5,1 triệu thùng, mạnh hơn so với dự báo trước đó là 1,5 triệu thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 2,4 triệu thùng và 600.000 thùng.
Nhu cầu tiêu thụ có xu hướng gia tăng trong tuần trước, phản ánh qua việc tổng sản phẩm được cung cấp tăng từ 19,3 triệu thùng/ngày lên 20,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng tăng gần 300.000 thùng lên 4,82 triệu thùng/ngày. Số liệu cho thấy nhu cầu gia tăng đối với dầu thô của Mỹ nhằm thay thế cho nguồn cung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Phiên lao dốc của giá dầu trong hôm qua cũng “xóa sạch” đà tăng được tích lũy kể từ ngày 02/04, khi OPEC+ công bố đợt cắt giảm sản lượng.
Thị trường hiện cũng đang cân nhắc về nguồn cung thực tế từ Nga. Một mặt, nước này vẫn duy trì xuất khẩu với khối lượng không mấy thay đổi, 3,4 triệu thùng/ngày, ngay cả khi đã cam kết cắt giảm lên tới 500.000 thùng/ngày. Trong khi châu Âu khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế vì các lệnh cấm vận, thì dữ liệu của Bloomberg cho thấy các nước châu Á đẩy mạnh mua dầu của Nga, thậm chí với cả mức giá cao hơn mức giá trần mà G7 áp dụng là 60 USD/thùng.
MXV cho biết, trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi lợi nhuận ngành công nghiệp của Trung Quốc, cùng với các số liệu kinh tế của Mỹ như doanh số nhà chờ bán và số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Đây là các tin tức sẽ có ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ dầu thô, và sẽ có tác động đến giá dầu bởi thị trường hiện đang vắng bóng các chất xúc tác từ phía nguồn cung.
Giá đậu tương giảm 6 phiên liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/04, giá đậu tương tiếp tục ghi nhận phiên thứ 6 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ nhưng mức giảm đã chậm lại. Mặc dù nhận được lực mua khá mạnh khi mở cửa, tuy nhiên, giá đã không thể tiếp tục xu hướng và dần suy yếu vào cuối phiên.
Triển vọng nguồn cung tốt tại Brazil là yếu tố chính đã tạo sức ép lên giá. Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA chi nhánh Brazil cho thấy góc nhìn tích cực về vụ mùa đậu tương trong niên vụ tới của nước này.
Cụ thể, sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục mới là 159 triệu tấn, cao hơn 5 triệu tấn so với mức 154 triệu tấn đang được dự báo của niên vụ hiện tại. Nguyên nhân chính là do diện tích trồng dự kiến sẽ tăng lên mức 45,2 triệu héc-ta trong niên vụ tới, từ mức 43,7 triệu héc-ta trong niên vụ 2022/23.
USDA Brazil cũng cho biết dự báo về việc mở rộng của diện tích trồng được đưa ra dựa trên các điều kiện và xu hướng của thị trường, bao gồm nhu cầu mạnh, giá cao và tỷ giá hối đoái thuận lợi. Thời tiết trong niên vụ 2023/24 dự báo cũng sẽ ở mức tốt và hỗ trợ vụ mùa.
Với việc nguồn cung nới lỏng hơn, USDA Brazil dự báo xuất khẩu đậu tương trong niên vụ tới của Brazil sẽ tăng lên mức 98,1 triệu tấn, từ mức 96,5 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Triển vọng vụ mùa tích cực tại Brazil là yếu tố đã gây sức ép lên giá trong ngày hôm qua.

Trong khi đó, thị trường ngô quay trở lại đà giảm mạnh và giá tiến sát về vùng hỗ trợ tâm lí 600 cents. Điều này cho thấy nhịp giảm vừa qua của ngô vẫn chưa kết thúc, khi các thông tin về cung cầu gây sức ép lên giá vẫn tiếp tục xuất hiện.

Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy, sản lượng ethanol đã giảm trở lại dưới mức 1 triệu thùng mỗi ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ ngô đang chững lại và là yếu tố tạo sức ép lên giá trong phiên hôm qua.
Mặc dù mùa vụ đáng thất vọng hiện tại do ảnh hưởng của hạn hán tại Argentina từng là nguyên nhân giúp giá ngô duy trì ở mức cao đầu năm nay nhưng tác động hỗ trợ đã không còn đáng kể trong giai đoạn thu hoạch.
Ngoài ra, trong dự báo cho niên vụ 2023/34 của USDA chi nhánh Buenos Aires, sản lượng ngô của Argentina có thể sẽ tăng lên mức 54 triệu tấn khi thời tiết bình thường trở lại, cao hơn mức 37 triệu tấn trong niên vụ 2022/23. Xuất khẩu ngô dự báo cũng sẽ tăng lên mức 28 triệu tấn, vượt xa mức 25 trong niên vụ hiện tại. Những kỳ vọng về nguồn cung cải thiện cũng góp phần khiến giá ngô suy yếu.
Giá đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt
Trên thị trường nội địa, sáng nay tại cảng Cái Lân, giá khô đậu tương Mỹ được chào bán trong khoảng 13.450 – 13.700 đồng/kg đối với kỳ hạn giao quý III năm nay, giảm khoảng 400 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 04. Trong khi đó, giá ngô cùng kỳ hạn giao được chào bán trong khoảng 6.550 – 6.600 đồng/kg; giảm đến gần 900 đồng/kg so với mức ghi nhận ngày đầu tháng. Giá nông sản nhập khẩu hạ nhiệt là tín hiệu tích cực đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Cũng trong sáng nay, giá heo hơi nội địa biến động trái chiều quanh mức 1.000 đồng/kg. Theo đó, giá khảo sát trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg, tương đương với mức giá ghi nhận từ đầu năm nay.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)