"Để tạo ra sự bứt phá cho ngành sữa trước sức ép từ hội nhập, các doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ tiên tiến để nâng quy mô, chất lượng, giảm giá thành sản xuất", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng việc gia nhập TPP, khiến ngành sữa Việt Nam chịu nhiều thua thiệt do gặp phải những đối thủ rất lớn từ New Zealand, Úc… Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?
Đứng về giá thành sản xuất, ở Việt Nam sản xuất 1kg sữa tươi mất khoảng 65 cent (khoảng 14.000 đồng), nhưng ở New Zealand với lợi thế đồng cỏ bạt ngàn, số lượng bò sữa còn nhiều hơn số dân, thì họ sản xuất 1 kg sữa tươi chỉ mất khoảng 30-32 cent. Điều đó cho thấy sức cạnh tranh của họ lớn ra sao. Nhưng khi chúng ta đã chấp nhận tham gia bất kỳ một hiệp định thương mại tự do (FTA) nào, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi về mặt tổng thể quốc gia, tính đến lợi ích chung, chứ không phải lợi ích riêng của từng ngành hàng.
Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu cả nước mới đáp ứng 28,3% nhu cầu tiêu dùng nội địa, cho nên còn rất nhiều dư địa để phát triển. Do đó, cần tiếp tục phát triển chăn nuôi bò sữa theo vùng trọng điểm và đầu tư vào các nhà máy chế biến sữa hiện đại. Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, sẽ tăng 180 nghìn con bò sữa hiện nay lên trên 500 nghìn con, với sản lượng sữa đạt 1,3 triệu tấn.
Nhiều người lo ngại, khi các dòng thuế giảm về 0%, sữa bột được nhập về Việt Nam để chế biến sẽ tăng ồ ạt. Quan điểm của ông ra sao?
Việc nhập khẩu sữa bột hay thu mua sữa tươi nguyên liệu về sản xuất là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên mục tiêu lợi nhuận của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn, phù hợp với trình độ, mức thu nhập, vùng miền khác nhau…
Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp phải trung thực và cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm soát được chất lượng sữa đúng thành phần ghi trên bao bì, để đảm bảo người tiêu dùng khi bỏ đồng tiền ra mua được đúng sản phẩm mình cần, chứ không phải mua sữa tươi nhưng trong đó sữa hoàn nguyên (sữa nước được làm từ việc pha sữa bột với nước) lại chiếm đến 40-50%.
Như ông nói, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chúng ta phải tăng cường kiểm soát các công ty nhập khẩu sữa. Ông có thể cho biết cụ thể về giải pháp này?
Theo tôi, để phát triển ngành sữa một cách bền vững, chúng ta cần ban hành một số tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến chất lượng sữa. Hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về các loại sữa trộn (có tổng hợp thêm các loại chất khác như ca cao, đường, tinh bột… để tạo thành các sản phẩm khác), gây khó phân biệt cho người tiêu dùng. Đồng thời, cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc ghi thành phần của sữa trên nhãn mác.
Mặt khác, cần phân cấp rõ trách nhiệm, cơ chế, chế tài của các bộ ngành trong quản lý sản phẩm sữa để tránh tình trạng chồng chéo, khó quản lý. Ví dụ, Bộ Y tế chỉ quản lý chất lượng của sữa, Bộ Công Thương quản lý giám sát thị trường, Bộ Tài chính quản lý về giá...
Để ngành sữa vững bước trong quá trình hội nhập, cần sự hỗ trợ đầu tư rất lớn từ phía Nhà nước. Vấn đề này đang được triển khai ra sao thưa ông?
Về đầu tư phát triển, phải nói rằng, hiện nay Ngân sách Nhà nước đang rất hạn hẹp nên chúng ta không thể chờ đợi nhiều từ phía Nhà nước, mà phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Trong đó, các doanh nghiệp phải làm “đầu tàu” tiên phong đầu tư cho khoa học công nghệ phục vụ sản xuất.
Điều đáng mừng, là gần đây có một “làn sóng” đầu tư rất lớn để phát triển ngành sữa. Các doanh nghiệp như TH True Milk, Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai… đã chú trọng đầu tư các quy trình sản xuất hiện đại, có đủ khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Đây chính là niềm hy vọng cho ngành sữa nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung trong bối cảnh hội nhập.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quỳnh Nga - Lan Anh
Báo Công thương