Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới, có thể sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2021, sau khi đạt mức kỷ lục trong nửa đầu năm, đi ngược lại với dự báo về mức tăng trưởng ổn định và làm giảm sút lòng tin của thị trường đúng vào lúc người nông dân Mỹ chuẩn bị bán ra thị trường đậu tương của vụ mới.
Do lợi nhuận từ chăn nuôi lợn giảm và mức tiêu thụ lúa mì làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh đang làm giảm nhu cầu của Trung Quốc, khiến khối lượng nhập khẩu năm nay có thể giảm xuống dưới 100 triệu tấn, so với mức dự báo gần đây của Mỹ là 102 triệu tấn.
Khi Trung Quốc chiếm 60% lượng nhập khẩu đậu tương của toàn cầu, nhu cầu của nước này giảm ngay khi nông dân Mỹ bước vào vụ thu hoạch theo dự báo sẽ đạt sản lượng lớn thứ ba từ trước tới nay. Điều này đã khiến giá mặt hàng nông sản thiết yếu này thêm biến động sau khi phục hồi lên mức cao nhất trong chín năm trong năm nay.
Trung Quốc nhập khẩu một lượng kỷ lục là 48,95 triệu tấn đậu tương trong nửa đầu năm 2021, tăng gần 9%, khi đàn lợn được phục hồi sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu đang giảm đi.
Nguyên nhân chính khiến mức tiêu thụ đậu tương tăng chậm lại là việc lợi nhuận từ chăn nuôi lợn đã giảm mạnh theo giá lợn do đợt bùng phát dịch mới, sau khi tăng mạnh vào đầu năm khi người chăn nuôi gây lại đàn sau dịch.
Biên lợi nhuận từ chăn nuôi lợn tại Trung Quốc nằm trong khoảng từ âm 150 nhân dân tệ đến 84 nhân dân tệ, giảm hơn 100% so với đầu năm.
Một nguyên nhân quan trọng khác là việc tỷ lệ bột đậu trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi được sử dụng ở Trung Quốc có sự thay đổi.
Dự trữ bột đậu tương tăng cho thấy mức tiêu thụ giảm. Theo số liệu của Trung tâm thông tin về các loại dầu và ngũ cốc quốc gia, dự trữ bột đậu tương của các nhà máy nghiền lớn trong tháng Sáu tăng 19% so với tháng Năm và tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng 7% so với mức trung bình ba năm cho thời điểm này của năm.
Tỷ lệ lúa mì cao trong hỗn hợp thức ăn được cho là sẽ tiếp tục trong năm tới./.

Nguồn: Bnews.vn