Tiến độ gieo trồng ngô tại Mỹ đã đạt hơn ¼ diện tích dự kiến, tăng lên so với mức 14% trong tuần trước. Con số này cũng tương đương với mức trung bình 5 năm trước và thấp hơn 1 chút so với mức kỳ vọng của thị trường. Điều này cũng là nguyên nhân lý giải cho mức tăng sáng nay của ngô. Tuy nhiên, xét trong trung và dài hạn, mùa vụ ngô của Mỹ năm nay vẫn chưa gặp phải rủi ro nào đáng kể và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới năng suất thu hoạch. Thay vào đó, dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa rải rác sẽ xuất hiện và di chuyển từ phía Tây và qua Đồng bằng và Trung Tây vào cuối tuần này. Độ ẩm được cải thiện sẽ hạn chế tác động của hạn hán vào mùa hè và hỗ trợ cho quá trình nảy mầm của cây trồng. Triển vọng nguồn cung tại Mỹ là yếu tố khiến cho chúng tôi kỳ vọng vào xu hướng giảm giá vẫn có thể duy trì trên thị trường ngô.
Ngoài ra, USDA cũng phát hành báo cáo Grain Crushing sáng nay, phản ánh nhu cầu tiêu thụ ngô cho ngành công nghiệp ethanol. Cụ thể, khối lượng ngô được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ethanol tại Mỹ trong tháng 3 đạt 438 triệu gịa, tăng gần 10% so với tháng trước. Trong những tháng tới, con số này nhiều khả năng cũng sẽ duy trì ở mức cao khi cuối tuần trước, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) đã thông báo rằng việc bán xăng E15 sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1/6 đến ngày 15/9. Đây là thông tin tích cực cho ngành công nghiệp ethanol của Mỹ, và nhu cầu ngô có thể sẽ thay thế cho hoạt động xuất khẩu kém hơn của Mỹ.
Động lượng giảm vẫn còn, giá Arabica sẽ tiếp tục hướng về hỗ trợ 181 - 182 cents
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Arabica giảm nhẹ 0.19% so với mức tham chiếu khi thị trường đang chịu tác động từ triển vọng nguồn cung tích cự tại cả 2 quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Colombia.
Những thông tin cơ bản về nguồn cung trên thị trường vẫn diễn biến theo hướng trái chiều. Tuy vậy, chiều hướng có vẻ hơi thiếu về sự hồi phục của nguồn cung trong thời gian tới.
Sau 2 niên vụ đối mặt với sản lượng thất kỷ lục do những tác động khắc nghiệt của hiện tượng thời tiết La Nina, hai quốc gia cung ứng Arabica lớn nhất thế giới là Brazil và Colombia đều đang hướng đến mùa vụ 2023/24 với những triển vọng tích cực hơn. Sản lượng được dự đoán sẽ nới lỏng hơn trước đó khi thời tiết đã trở lại bình thường. Điều này được kỳ vọng sẽ hạn chế những thiếu hụt nguồn cung do sản lượng thấp trước đó, từ đấy gây sức ép khiến giá giảm.
Tuy vậy, tồn kho Arabica trên Sở ICE vẫn trong xu hướng giảm dù đã chạm mức thấp nhất trong 5 tháng, sẽ tiếp tục là nhân tố hỗ trợ giá, từ đó hạn chế đà giảm của giá.
Vắng bóng chất xúc tác, giá đồng có thể giằng co trong biên độ hẹp
Trong phiên sáng 02/05, đồng nhận được lực mua và bán khá giằng co do thiếu thông tin mang tính hỗ trợ mạnh và nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố quyết định lãi suất. Hơn nữa, khối lượng giao dịch cũng mỏng hơn do Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, đang trong kỳ Lễ Lao động kéo dài 5 ngày. Nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp.
Kể từ khi Fed lần đầu tiên khởi động chiến dịch chống lạm phát cách đây 15 tháng, họ đã tăng lãi suất 9 lần liên tiếp và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm một lần nữa vào ngày 03/05. Điều này có thể tiếp tục đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái sâu hơn. Ngân hàng JPMorgan mới đây đã đưa ra dự đoán tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 0,4% trong quý II/2023, sau khi chỉ tăng 1,1% trong quý I.
Bên cạnh đó, nền kinh tế khu vực đồng Euro hầu như không tăng trưởng nhưng lạm phát trong khối vẫn ở mức cao, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục tăng lãi suất, thậm chí là 50 điểm cơ bản. Áp lực lãi suất cao tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Mỹ và khu vực châu Âu và làm giảm triển vọng tiêu thụ mặt hàng đồng.
Tuy vậy, trái với triển vọng kinh tế kém sắc tại các nước phương Tây, Trung Quốc lại có kỳ vọng sáng sủa hơn khi Hồng Kông, đặc khu kinh tế của Trung Quốc, đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm nay nhờ chi tiêu phục hồi.
Hồng Kông đạt mức tăng trưởng 2,7% trong quý I, vượt qua ước tính của giới phân tích ở mức tăng 0,5%. Ngoài ra, các nhà kinh tế của Bloomberg cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP trong cả năm của Hồng Kông lên mức 5,2%, tăng từ mức 3,2% được dự báo hồi tháng 02.
Điều này tiếp tục củng cố kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và hỗ trợ giá các mặt hàng mà Trung Quốc là nhà tiêu thụ lớn, trong đó có đồng. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành bất động sản của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi lần đầu tiên sau hơn một năm, tăng trưởng giá trị gia tăng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng 1,3% trong quý I năm nay so với một năm trước đó.
