Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu được 87.400 tấn gia vị các loại, kim ngạch đạt 322,7 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 24,1%, kim ngạch giảm 4,8%. Trong đó hai mặt hàng gia vị xuất khẩu chính là hồ tiêu chiếm 65% với 56.800 tấn, kim ngạch đạt 235,6 triệu USD, giảm 26% về lượng và 0,1% về giá trị. Xuất khẩu quế đạt 16 nghìn tấn, kim ngạch đạt 46,2 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và 15,7% về giá trị. Xuất khẩu các mặt hàng hoa hồi, gừng, nghệ, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu cũng ghi nhận giảm, duy chỉ có xuất khẩu ớt tăng 17,6% về lượng và 52,8% về giá trị.
Các thị trường xuất khẩu chính của gia vị Việt Nam bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc liên tục sụt giảm.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái cho biết: Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng và sản lượng quế lớn nhất miền bắc Việt Nam, với diện tích hơn 86.000 ha, trong đó có hơn 14.000 ha được cấp chứng chỉ quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, tổng công suất 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Ngoài ra, hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ hộ gia đình, chủ yếu hoạt động theo phương pháp thủ công, sản lượng chế biến tinh dầu mỗi năm bình quân 300-800 kg/cơ sở. Các sản phẩm từ quế của tỉnh đã xuất khẩu tới hơn 30 thị trường như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Mỹ, Nga, Anh... Tuy nhiên, hiện nay sản xuất, chế biến quế trên địa bàn tỉnh vẫn ít được đầu tư lớn, còn lạc hậu, vì vậy năng suất và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với mặt hàng hồ tiêu, theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu toàn tỉnh cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 26 triệu USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có Công ty Chế biến gia vị Nedspice Bình Phước là đơn vị xuất khẩu sản phẩm gia vị. Công ty có nhà máy chế biến hạt tiêu, nhục đậu khấu, vỏ nhục đậu khấu, tiêu pimento, quế, gừng, đinh hương, thì là và rau mùi với công suất 40.000 tấn/năm, trong đó riêng hạt tiêu là 28.000 tấn/năm.
Trước thực tế đó, để khai thác hết tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng gia vị Việt Nam, cần đẩy mạnh phát triển các vùng trồng chất lượng cao, hữu cơ; đồng thời tập trung vào chế biến sâu để gia tăng giá trị. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước Trương Tấn Nhất Linh cho biết: Các doanh nghiệp chế biến gia vị trên địa bàn tỉnh cũng đang mở rộng hướng sang đầu tư chế biến. Trước đây, hạt tiêu sau khi thu hoạch chủ yếu là làm sạch, sấy khô và xuất bán thì vài năm gần đây đã có chế biến sâu với các sản phẩm đa dạng như: Bột tiêu tứ sắc sấy thăng hoa, bột tiêu xanh sấy thăng hoa, bột tiêu đen, hạt tiêu đỏ sấy thăng hoa, tiêu đen ASTA, tiêu sọ mộc tiệt trùng, tiêu sọ trắng tiệt trùng... để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh việc tăng sản phẩm chế biến, thì xúc tiến thương mại cũng đóng vai trò quan trọng để đưa gia vị Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới. Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên, hiệp hội đang nỗ lực triển khai xây dựng chiến lược phát triển thị trường bền vững và tuyên truyền, quảng bá ngành hàng hồ tiêu và gia vị Việt Nam; ưu tiên phê duyệt các chương trình tham gia hội chợ quốc tế lớn tại các thị trường trọng điểm. Trên cơ sở đó, hiệp hội chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký gian hàng sớm với ban tổ chức để có vị trí đẹp, giá tốt; đồng thời các doanh nghiệp thành viên cũng có thời gian chuẩn bị nhân sự, sản phẩm tốt nhất để tham gia trưng bày, mở rộng cơ hội giao thương.

Nguồn: Thuỳ Anh/Nhân Dân