Hôm 1/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế 25% quan 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 4/2025 và áp thuế 25% lên hàng hóa Canada và Mexico, nhưng sau đó trì hoãn một tháng việc áp thuế lên hai nước sau này. Hôm 7/2/2025, Donald Trump tiếp tục tuyên bố có ý định áp thuế quan có đi có lại đối với các đối tác thương mại của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico nhưng đã áp thêm thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tuần này.
Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách công bố mức thuế lên tới 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ bắt đầu từ ngày 10/2, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Nếu Mỹ thực hiện việc tăng thuế quan để cân bằng với mức thuế mà các nước khác áp lên hàng hóa Mỹ sẽ kích thích một cuộc chiến thuế quan trên toàn thế giới và điều đó sẽ có lợi cho giá vàng, bởi vàng thường được sử dụng như một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn về chính trị và tài chính.
Năng lượng: Giá dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Dầu mỏ: Giá dầu tăng trong phiên thứ Sáu (7/2/2025) sau khi các lệnh trừng phạt mới được áp đặt với xuất khẩu dầu thô của Iran. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá giảm bởi các nhà đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc và các mối đe dọa áp thuế với các quốc gia khác.
Kết thúc phiên, giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD hay 0,5% lên 74,66 USD/thùng, dầu WTI tăng 0,39 USD hay 0,55% lên 71,0 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá giảm hơn 2%.
Nhà phân tích John Kilduff thuộc Again Capital LLC cho biết các thông tin về kế hoạch áp thuế của chính quyền Donald Trump đã hạn chế giá dầu tăng mạnh.
Giá dầu WTI đã giảm xuống gần 70 USD/thùng, có vẻ như là đáy của phạm vi giao dịch, Kilduff cho biết. "Tôi không biết giá dầu như vậy đã đủ thấp như Tổng thống Mỹ mong muốn hay chưa, chúng ta hãy cùng chờ xem".
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group cho biết, các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ các tuyên bố của Trump để biết những thay đổi có thể có trong các chính sách của Mỹ có thể nhanh chóng định hình lại thị trường.
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Năm cho biết họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với một số cá nhân và tàu chở dầu vận chuyển hàng triệu thùng dầu thô của Iran mỗi năm đến Trung Quốc, một động thái gia tăng áp lực lên Tehran.
"Những động thái về thuế quan của Mỹ đang thúc đẩy giá dầu mỏ vì làm tăng thêm sự bất ổn, Michael Haigh, giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Societe Generale cho biết. Nhưng bạn chưa thấy phản ứng này vì lo ngại về nhu cầu. Thuế quan và phản ứng trả đũa từ các quốc gia, nó làm tổn hại đến GDP toàn cầu ... và nhu cầu dầu mỏ."
Donald Trump đã công bố mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần trong kế hoạch rộng lớn nhằm cải thiện cán cân thương mại của Mỹ, nhưng đã hoãn kế hoạch áp dụng mức thuế quan cao đối với Mexico và Canada.
"Áp lực giảm giá bắt nguồn từ luồng tin tức xung quanh thuế quan, với những lo ngại về một cuộc chiến thương mại tiềm tàng làm gia tăng nỗi lo nhu cầu dầu mỏ suy yếu", các nhà phân tích tại BMI cho biết.
Thực tế là giá dầu đã giảm vào thứ Năm sau khi Trump nhắc lại lời cam kết tăng sản lượng dầu của Mỹ, khiến các nhà giao dịch lo lắng sau khi nước này báo cáo lượng dầu thô tồn trữ tăng nhiều hơn dự kiến.
Khí đốt: Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á tuần qua đạt mức cao nhất trong hai tháng, theo xu hướng tăng giá khí đốt tại châu Âu, mặc dù nhu cầu tại châu Á giảm do lượng hàng tồn kho dồi dào.
Giá LNG trung bình kỳ hạn giao tháng 3 tới Đông Bắc Á là 14,90 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2024 và tăng so với mức 13,80 USD/mmBtu vào tuần trước, theo ước tính của các nguồn tin trong ngành.
"Xu hướng giá tăng dự kiến sẽ tiếp tục trong tuần tới do thời tiết lạnh hơn và gián đoạn nguồn cung tại Thềm Tây Bắc (sản lượng 16,3 triệu tấn mỗi năm) ở Úc và Donggi Senoro LNG (sản lượng 2,5 triệu tấn mỗi năm) ở Indonesia", Go Katayama, nhà phân tích khí đốt tự nhiên và LNG tại Kpler cho biết.
"Chúng tôi tiếp tục thấy mắc tăng nhu cầu ở Đông Bắc Á vẫn còn hạn chế do lượng hàng tồn kho dồi dào tại Nhật Bản và Hàn Quốc và dự báo nhiệt độ trong tháng 3 cho thấy có 50-60% khả năng nhiệt độ sẽ cao hơn bình thường", Katayama cho biết.
Nhìn chung, thị trường châu Á vẫn khá trầm lắng mái khi các thương nhân Trung Quốc vắng mặt cho đến tuần tới vì Tết Nguyên đán, Klaas Dozeman, nhà phân tích thị trường tại Brainchild Commodity Intelligence cho biết.
"Dự báo thời tiết châu Á chỉ cho thấy những đợt lạnh ngắn. Mức dự trữ có vẻ khá nhiều khi Trung Quốc xuất khẩu một vài lô hàng sang Bangladesh. Trừ khi có đợt lạnh lớn xảy ra vào tháng 3, nhu cầu mùa đông dường như đã biến mất trước khi nó xuất hiện", Dozeman nói thêm.
Tại châu Âu, giá khí đốt vẫn ở mức cao nhất trong 15 tháng trong tuần này khi thời tiết lạnh hơn thúc đẩy nhu cầu và mức dự trữ giảm đã hỗ trợ thị trường.
"Châu Âu vẫn đang rất cần LNG, với thời tiết lạnh hơn so với vài năm trở lại đây, làm tăng lượng hàng tồn kho trong hai tuần qua và cả trong vài tuần tới. Điều đó có nghĩa là các kho dự trữ cần được bổ sung thêm nhiều tàu chở LNG trong một khoảng thời gian", Dozeman cho biết.
S&P Global Commodity Insights hôm 6/2 báo giá LNG Marker Tây Bắc Âu (NWM) hàng ngày đối với các lô hàng giao vào tháng 3 là 15,961 USD/mmBtu, thấp hơn 0,55 USDmmBtu so với giá khí đốt tháng 3 tại trung tâm TTF của Hà Lan. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 27 tháng 10 năm 2023.
Giá cước vận chuyển LNG toàn cầu tiếp tục ở mức thấp kỷ lục, với giá cước vận chuyển ở Đại Tây Dương là 3.750 USD/ngày vào thứ Sáu và giá cước ở Thái Bình Dương ở mức thấp kỷ lục mới là 9.750 USD/ngày.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tuần thứ 6 liên tiếp
Giá vàng tuần qua tăng tuần thứ 6 liên tiếp do lo ngại về những tác động của cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc kết hợp với nỗi lo lạm phát gia tăng đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng sang tập trung vào vàng.
Phiên thứ Sáu, giá vàng giao ngay kết thúc tăng 0,2% lên 2.861,46 USD/ounce, sau khi lên mức cao kỷ lục 2.886,62 USD/ounce; vàng giao sau tăng 0,4% lên 2.887,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá tăng hơn 2%.
"Trọng tâm của thị trường vàng lúc này vẫn là sự không chắc chắn liên quan đến chính sách thuế quan của Donald Trump", David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc công ty High Ridge Futures cho biết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua đã khởi động một cuộc chiến thương mại khi ông thực hiện lời đe dọa áp thuế mới đối với Trung Quốc, mặc dù đã gia hạn cho Mexico và Canada thêm một tháng.
Thị trường vàng tuần qua cũng được thúc đẩy bởi cả việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tục tăng nắm giữ vàng và một chương trình mới của Trung Quốc cho phép các quỹ bảo hiểm đầu tư vào vàng, Peter Grant, phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao tại Zaner Metals cho biết.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 143.000 việc làm vào tháng 1, so với mức tăng 170.000 mà các nhà kinh tế dự kiến, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4%, so với kỳ vọng là 4,1%.
Bart Melek, giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho biết, tăng trưởng tiền lương và việc làm giảm đang thách thức khả năng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, tạo nên một tình huống phức tạp nhưng có khả năng có lợi cho vàng.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee cho biết một nền kinh tế mạnh mẽ với việc làm đầy đủ và lạm phát giảm sẽ cho phép Fed cắt giảm lãi suất, nhưng sự không chắc chắn về thuế quan đòi hỏi phải thận trọng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống còn 31,94 USD/ounce, bạch kim giảm 0,3% xuống 982,50 USD, palladium giảm 0,7% xuống 971,62 USD.
Tính chung cả tuần, giá bạc và bạch kim tăng, trong khi palladium giảm 3,7%.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2024
Kim loại cơ bản: Phiên thứ Sáu, giá đồng đạt mức cao nhất 3 tháng, tính chung cả tuần giá tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2024, do Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, làm đi nỗi lo ngại về căng thẳng thương mại.
Kết thúc phiên 7/2, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,6% lên 9.422 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 8/11/2024 (9.507 USD/tấn); tính chung cả tuần, giá tăng 4,1%. Giá đồng trên sàn Comex của Mỹ tăng 2,6% lên 4,58 USD/lb, cao hơn giá LME là 659 USD/tấn. Tại Thượng Hải, giá đồng tăng 1,5%.
Các thị trường đang chờ đợi cuộc điện đàm giữa Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lượng đồng tồn kho của sàn SHFE tăng 81,5% kể từ 24/1 lên mức cao nhất gần 5 tháng.
Giá nhôm trên sàn LME phiên thứ Sáu tăng 0,4% lên 2.630 USD một tấn, giá kẽm tăng 0,9% lên 2.843 USD, thiếc tăng 0,5% lên 31.165 USD, chì tăng 0,3% lên 1.994,50 USD, trong khi niken giảm 0,6% xuống 15.720 USD.
Sắt thép: Giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên đạt cao nhất 4 tháng, tính chung cả tuần cũng tăng do nhu cầu thép tại Trung Quốc phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Kết thúc phiên này, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc tăng 0,86% lên 817 CNY (112,11 USD)/tấn; tính chung cả tuần tăng 1,36%. Trước đó, giá có lúc đã lên 825 CNY, cao nhất kể từ ngày 8/10/2024.
Tại Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 3 giảm 0,08% xuống 105,85 USD/tấn, nhưng tính chung cả tuần tăng 0,23%.
Các nhà máy thép Trung Quốc đã khôi phục sản xuất sau kỳ nghỉ Tết, nhu cầu quặng sắt ngắn hạn đang cải thiện và giá hỗ trợ.
Sản lượng của các nhà sản xuất thép lò cao của Trung Quốc đã tăng trong tuần qua sau khi hoạt động được nối lại sau giai đoạn bảo trì, theo công ty tư vấn Trung Quốc Mysteel.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ANZ cho biết trong một lưu ý rằng chiến tranh thương mại vẫn là thách thức lớn nhất đối với thị trường quặng sắt và thép.
Nông sản: Giá cà phê arabica tăng mạnh trong tuần, robusta và cao su giảm
Phiên thứ Sáu, giá ngô, đậu tương và lúa mì Mỹ đều giảm do lo ngại xung đột thương mại có thể gây ảnh hưởng nhu cầu đối với sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ công bố mức thuế quan tương hỗ đối với nhiều quốc gia trong tuần này. Các nhà kinh doanh ngũ cốc lo ngại mức thuế này có thể gây ra sự trả đũa từ các nhà nhập khẩu, làm giảm doanh số bán của Mỹ.
Trên sàn Chicago, kết thúc phiên thứ Sáu, giá ngô giảm 7-3/4 US cent xuống 4,87-1/2 USD/bushel nhưng vẫn gần mức cao kỷ lục 15 tháng, là 4,98-1/2 USD đã đạt được trong ngày 5/2. Giá đậu tương giảm 11 US cent xuống 10,49-1/2 USD/bushel sau khi tăng lên mức cao nhất 6 tháng tại 10.79-3/4 trong ngày 5/2. Giá lúa mì giảm 5 US cent xuống 5,82-3/4 USD/bushel, giảm từ mức cao 3,5 tháng.
Giá đường thô phiên thứ Sáu giảm 0,21 US cent, hay 1,1%, xuống 19,36 US cent/lb; tính chung cả tuần giá gần như không thay đổi. Đường trắng phiên này giảm 0,9% xuống 517,7 USD/tấn.
Xuất khẩu đường của Brazil giảm 35% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2,06 triệu tấn, do lượng tồn kho giảm mạnh.
Giá cà phê arabica tăng lên mức cao kỷ lục phiên thứ 12 liên tiếp. Kết thúc phiên thứ Sáu, giá arabica tăng 0,4 US cent, hay 0,1%, lên 4,0435 USD/lb sau khi đạt cao kỷ lục 4,1395 USD/lb trong phiên này. Tính chung cả tuần, giá arabica tăng 7% sau khi tăng 8,7% trong tuần trước đó. Các đại lý cho biết thị trường đang theo dõi xem việc á arabica tăng vọt gần đây có thể làm giảm nhu cầu hay không.
Cà phê robusta giảm 1,5% xuống 5.564 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 2%.
Dự kiến sản lượng cà phê arabica của Brazil sẽ giảm trong năm nay do thời tiết nóng và khô năm 2024 góp phần thắt chặt nguồn cung toàn cầu khi các nhà đầu cơ cũng đang tăng vị thế mua ròng.
Ngân hàng Commerzbank cho biết chênh lệch giá giữa arabica và robusta gần đây đã tăng lên vì cà phê robusta không thể theo kịp mức tăng giá của arabica. Điều này mang đến cho người tiêu dùng cà phê một lựa chọn thay thế rẻ hơn, có thể làm giảm sức hút của arabica.
Brazil đã xuất khẩu 4,08 triệu bao cà phê trong tháng 1/2025, tăng 9,5% so với cùng tháng năm trước.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cũng giảm do lo ngại nguồn cung từ Thái Lan mặc dù đồng JPY mạnh lên và nhu cầu yếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa phiên thứ Sáu giảm 0,8 JPY hay 0,21% xuống 373,7 JPY (2,46 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm 5,25%. Đồng JPY ở mức cao nhất 9 tuần, khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này cả đắt hơn cho người mua nước ngoài.
Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 5 tăng 320 CNY, hay 1,86% lên 17.500 CNY (2.401,11 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su butadien giao tháng 2 trên sàn SHFE tăng 280 nhân dân tệ, tương đương 1,93%, lên 14.780 nhân dân tệ (2.027,91 USD)/tấn.
Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD cho biết họ có kế hoạch tuyển dụng 20.000 nhân viên tại Trịnh Châu trong quý đầu tiên sau khi khoảng 545.000 xe được lắp ráp tại Trịnh Châu vào năm 2024, tăng 169,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán ô tô có thể ảnh hưởng đến cường độ sản xuất xe, bao gồm việc sử dụng lốp xe làm bằng cao su.
Giá hàng hóa thế giới:

ĐVT

Giá 31/1/2024

Giá 7/1/25

Giá 7/2 so với 6/2

Giá 7/2 so với 6/2 (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

72,53

71,00

+0,39

+0,55%

Dầu Brent

USD/thùng

75,67

74,66

+0,37

+0,50%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

205,88

210,50

+3,03

+1,46%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

3,04

3,31

-0,10

-2,90%

Dầu đốt

US cent/gallon

239,73

243,08

+3,28

+1,37%

Vàng (Comex)

USD/ounce

2.835,00

2.887,60

+10,90

+0,38%

Vàng giao ngay

USD/ounce

2.798,41

2.861,07

+4,79

+0,17%

Bạc (Comex)

USD/ounce

32,27

32,44

-0,18

-0,56%

Bạch kim giao ngay

USD/ounce

982,56

978,48

-11,47

-1,16%

Đồng (Comex)

US cent/lb

427,90

458,90

+12,80

+2,87%

Đồng (LME)

USD/tấn

9.048,00

9.407,50

+131,00

+1,41%

Nhôm (LME)

USD/tấn

2.594,00

2.628,00

+9,00

+0,34%

Kẽm (LME)

USD/tấn

2.742,00

2.840,00

+22,00

+0,78%

Thiếc (LME)

USD/tấn

30.102,00

31.109,00

+107,00

+0,35%

Ngô (CBOT)

US cent/bushel

482,00

487,50

-7,75

-1,56%

Lúa mì (CBOT)

US cent/bushel

559,50

582,75

-5,00

-0,85%

Lúa mạch (CBOT)

US cent/bushel

347,50

350,25

-13,75

-3,78%

Gạo thô (CBOT)

USD/cwt

13,85

13,72

+0,07

+0,48%

Đậu tương (CBOT)

US cent/bushel

1.042,00

1.049,50

-11,00

-1,04%

Khô đậu tương (CBOT)

USD/tấn

301,10

301,40

-5,00

-1,63%

Dầu đậu tương (CBOT)

US cent/lb

46,11

46,48

+0,55

+1,20%

Hạt cải (ICE)

CAD/tấn

638,10

656,80

+6,60

+1,02%

Cacao (ICE)

USD/tấn

10.855,00

10.113,00

-14,00

-0,14%

Cà phê (ICE)

US cent/lb

377,85

396,70

-0,40

-0,10%

Đường thô (ICE)

US cent/lb

19,35

19,36

-0,21

-1,07%

Nước cam cô đặc đông lạnh (ICE)

US cent/lb

474,70

423,20

-14,50

-3,31%

Bông (ICE)

US cent/lb

65,88

65,63

-0,40

-0,61%

Lông cừu (ASX)

US cent/kg

--

--

--

--

Gỗ xẻ (CME)

USD/1000 board feet

--

--

--

--

Cao su Singapore

US cent/kg

199,90

196,60

+0,60

+0,31%

Ethanol (CME)

USD/gallon

2,16

2,16

0,00

0,00%

 

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)