Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa vẫn giữ ổn định như: OM 4218 là 7.400 đồng/kg, IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR 50404 ở mức 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.400 – 6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400 – 6.500 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 – 6.750 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg. 
Giá lúa nếp khô tại An Giang có giá từ 8.000 – 8.200 đồng/kg; nếp Long An khô từ 8.600 – 8.800 đồng/kg.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã cơ bản đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xxuân trên diện tích 230.000 ha, nông dân phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Hiện nay, nông dân tiếp tục xuống giống vụ Hè Thu 2023 với diện tích dự kiến gần 228.900 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, để đạt tăng trưởng cả năm thì vụ Hè Thu và Thu Đông 2023 cần đảm bảo sản xuất theo kế hoạch và nhân rộng mô hình liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, vận động nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, Nàng hoa 9, OM18, Jasmine...
Vụ lúa Hè Thu 2023, tính đến nay, An Giang đã có 14 doanh nghiệp đứng ra đề nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ cho các hợp tác xã và nông dân với trên 145.000 ha, chiếm hơn 63% diện tích xuống giống.
Về xuất khẩu, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 2,95 triệu tấn với 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam dao động khoảng 483-487 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 463 USD/tấn; gạo Jasmine ở mức 553-557 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Hoạt động giao dịch không khởi sắc sau kỳ nghỉ lễ dài ngày”.
Theo các doanh nghiệp, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ít, giá gạo các loại bình ổn. Giao dịch lúa gạo sôi động hơn nhờ doanh nghiệp tăng gom hàng. Thương lái chủ động chào bán lúa khô nhiều hơn.
Nhiều doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, do nắng nóng gay gắt nhiều nơi và các cảnh báo thời tiết về hiện tượng El Nino đang đến gần có khả năng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất nông nghiệp của nhiều nước. Chính vì vậy, hiện thời các nước đang tích cực thu mua để phục vụ tiêu dùng trong nước và cả dự trữ về lâu dài, tránh bị động.
Một nguyên nhân khác khiến lúa gạo tăng giá là tại Việt Nam và các nước lân cận, mùa thu hoạch đã kết thúc dẫn tới nguồn cung hạn chế. Từ cuối năm 2022, nhu cầu tiêu thụ gạo đã tăng dần khiến giá gạo luôn ở mức cao.

Nguồn: VITIC/Baocongthuong/TTXVN