Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận ở mức trung bình gần 4.000 tỷ đồng mỗi phiên, giảm nhẹ so với tuần trước đó. Bất chấp sự suy yếu của giá các mặt hàng kim loại trong thời gian gần đây, tính chất giao dịch 2 chiều đã giúp các nhà đầu tư đón nhận xu hướng và phân bổ dòng tiền vào thị trường này. Điều đó đã giúp giá trị giao dịch của nhóm kim loại lấy lại đà tăng ở mức hơn 21% trong tuần qua.

Lực bán chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại
Thị trường kim loại tiếp tục chứng kiến lực bán diễn ra đối với phần lớn các mặt hàng trong nhóm. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá bạc kết thúc ở mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm trong khi giá bạch kim lấy lại đà tăng nhẹ.
Diễn biến trái chiều trong nhóm kim loại quý xuất phát từ những đánh giá giữa việc lãi suất tăng cao hơn nữa trong tương lai và bức tranh kinh tế tại Mỹ hiện tại vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào quá tiêu cực. Vào cuối tuần qua, dữ liệu bảng lương phi nông đã gây bất ngờ cho thị trường khi đạt mức tăng 372.000 so với tháng trước, đánh bại kỳ vọng chỉ tăng 268.000 việc làm. Điều này tiếp tục ủng hộ cho việc tăng lãi suất mạnh mẽ thêm 75 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng này. Đồng Dollar Mỹ do đó cũng thiết lập đỉnh mới trong vòng 2 thập kỷ trong tuần qua và gây sức ép lên giá bạc. Đối với bạch kim, vùng hỗ trợ cứng 850 USD/ounce đã ngăn cản giá tiếp tục lao dốc trong tuần vừa qua.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX trải qua tuần giảm thứ 6 liên tiếp và ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất trong vòng 17 tháng. Trong khi đó, quặng sắt cũng chưa thể lấy lại đà phục hồi trong tuần qua. Các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc quay trở lại tại các thành phố lớn đang gây ra lo ngại về tái phong toả và cản trở đà phục hồi kinh tế. Vào hôm qua, Thượng Hải đã báo cáo trường hợp đầu tiên của biến thể phụ BA.5, bổ sung thêm 38 khu vực có nguy cơ trung bình và 1 khu vực có nguy cơ cao so với ngày trước đó.
Giá dầu hạ nhiệt trước lo ngại suy thoái kinh tế
Thị trường dầu thô không giữ được sắc xanh trong tuần vừa qua khi mà những lo ngại về suy thoái bao trùm lên tâm lý các nhà giao dịch. Hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 3,36% về 104,79 USD/thùng, và hợp đồng dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 4,13% về 107,02 USD/thùng.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là việc giá của cả hai mặt hàng dầu thô đánh mất mốc 100 USD, vốn được coi là một mức hỗ trợ tâm lý rất lớn đối với thị trường. Nguyên nhân chính khiến cho giá giảm mạnh xuất phát từ những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, gây áp lực tới nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, sức ép bán cũng được gia tăng trên thị trường trước những tin tức tiêu cực về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc.
Mặc dù chịu sức ép lớn, nhưng giá dầu vẫn lấy lại được mốc 100 USD trong hai phiên cuối tuần, bởi trong ngắn hạn bài toán nguồn cung vẫn chưa tìm được lời giải. Một trong những hệ thống đường ống lớn nhất thế giới thuộc Công ty CPC đã bị toà án Nga buộc phải ngừng hoạt động, và khiến cho khoảng 30 triệu thùng dầu thô chủ yếu từ Kazakhstan, có nguy cơ không được xuất khẩu mỗi tháng.

Trên thị trường nội địa, trước diễn biến hạ nhiệt của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương lúc 0h ngày 11-7. Theo đó, giá xăng đã giảm hơn 3.000 đồng/lít, giá dầu giảm dao động trong khoảng 2.000-3.022 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ 2 sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Sắc xanh chiếm lĩnh hầu hết các mặt hàng nông sản
Đối với nhóm nông sản, giá ngô đã hồi phục hơn 2,6% sau 2 tuần liên tiếp sụt giảm. Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 03/07 cho thấy tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt – tuyệt vời đạt 64%, giảm 3% so với tuần trước đó đồng thời cũng thấp hơn 1% so với dự báo của thị trường. Tình hình khô hạn tại các khu vực gieo trồng chính tiếp tục gây ảnh hưởng đến vụ mùa ngô tại Mỹ hỗ trợ giá tăng.

Với lúa mì, sau một chuỗi liên tiếp sụt giảm, lực mua được đẩy mạnh trong hai phiên cuối cùng của tuần trước đã giúp giá ghi nhận mức tăng hơn 5%. Theo hãng tin Reuters, sản lượng lúa mì năm nay của EU có thể thấp hơn so với các năm trước do thời tiết bất lợi. Mặc dù những cơn mưa kịp thời đã giúp cải thiện tình trạng mùa vụ tại một số vùng, nhưng điều này là không đủ để bù đắp sự sụt giảm năng suất ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của khô hạn.
Trong khi đó, các mặt hàng trong nhóm đậu tương đang cho thấy diễn biến trái chiều nhau. Nhiệt độ tăng cao tại khu vực sản xuất lớn như Iowa và Illinois đang gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng mùa vụ và hỗ trợ giá đậu tương hồi phục trở lại. Trong khi đó, dầu đậu tương sụt giảm hơn 3% trước tin tức về việc Indonesia đã nâng hạn ngạch xuất khẩu dầu cọ đối với các công ty tham gia chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) lên mức 7 lần khối lượng bán ra trong nước.
Giá đường khởi sắc trước thông tin tích cực từ Ấn Độ
Trong khi sắc đỏ chiếm ưu thế tên bảng giá nguyên liệu công nghiệp, đường là mặt hàng có sự khởi sắc trước thông tin hỗ trợ giá từ việc Ấn Độ gia tăng thời hạn lệnh miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu sinh học, nhằm khuyến khích gia tăng tỷ lệ pha trộn ethanol vào xăng trong thời gian tới.

Đối với nhóm cà phê, xuất khẩu của Honduras và Costa Rica trong tháng 06 giảm lần lượt 16,3% và 11,8% so với tháng 05 là nhân tố chính khiến giá cà phê Arabica đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Về phía Robusta, lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê đã khiến xuất khẩu Robusta trong tháng 06 tại Việt Nam giảm 3,5% so với tháng trước đó khiến lực bán áp đảo.
Cùng xu hướng giảm với cà phê là bông, do covid-19 quay lại Trung Quốc và các lệnh hạn chế lây lan dịch bệnh mới tiếp tục được đưa ra đã gây lo ngại về việc hồi phục kinh tế khiến sụt giảm nhu cầu tiêu thụ bông của nước này.
Dầu cọ trở lại đà giảm sau tuần phục hồi nhẹ trước đó, do nguồn cung mặt hàng này tiếp tục được nới lỏng khi Indonesia chính thức nâng hạn mức xuất khẩu dầu cọ cho các công ty xuất khẩu trong nước lên gấp 7 lần so với khối lượng bán ra nội địa thay vì 5 lần như trong dự định.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV