Áp lực kép từ dịch bệnh và suy thoái kinh tế đã gây sức ép và khiến giá các mặt hàng nhóm năng lượng đồng loạt sụt giảm mạnh. Trong khi đó, báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 7 (WASDE) đã thúc đẩy lực bán áp đảo đối với nhóm nông sản. Sự sôi động trên thị trường hàng hoá đã giúp giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục tăng nhẹ 1,34% và đạt mức 3.800 tỷ đồng.
Giá dầu sụt giảm mạnh trước lo ngại tiêu thụ suy yếu
Giá dầu sụt giảm rất mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua trước hàng loạt thông tin tiêu cực. Cụ thể, giá WTI giảm 7,93% xuống 95,84 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 7,11% xuống 99,49 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, giá Brent đánh mất mốc 100 USD/thùng.
Các lo ngại ngày càng lớn về tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc liên tục khiến cho thị trường chịu sức ép. Bên cạnh đó, Dollar Index tiếp tục tăng rất mạnh trong phiên đã gây ra lực bán mạnh trên thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường hàng hóa, được định giá phần lớn bằng đồng bạc xanh.
Ngoài ra, trong báo cáo tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới trong năm 2022 từ 99,63 triệu thùng/ngày xuống 99,58 triệu thùng/ngày. Các nguyên nhân mà EIA đưa ra là lo ngại về nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, cùng với sự không chắc chắn trong quyết định gia tăng sản lượng thực tế của OPEC+ cũng như tốc độ sản xuất của các công ty dầu đá phiến tại Mỹ. EIA cũng đã điều chỉnh giảm dự báo giá Brent xuống còn 104 USD/thùng trong năm 2022 và xuống 94 USD/thùng trong năm 2023. Đây là yếu tố rất tiêu cực khiến giá tiếp tục giảm mạnh trong phiên tối.
Ngược lại, trong báo cáo tháng hôm qua, OPEC vẫn tỏ ra rất lạc quan về nhu cầu dầu trong năm nay khi giữ nguyên dự báo tiêu thụ dầu trong năm 2022 ở mức 100.29 triệu thùng/ngày, và con số sẽ tăng lên mức kỷ lục 102,99 triệu thùng/ngày vào năm sau. Tuy vậy, khi tâm lý trên thị trường chung chưa được cải thiện, nhận định tức cực này cũng không thể giúp lực mua quay lại thị trường hôm qua.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thương mại tăng 4,762 triệu thùng trong tuần vừa rồi, có thể trở thành yếu tố tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.
Giá đậu tương suy yếu sau Báo cáo cung – cầu
Kết thúc phiên giao dịch 12/07, cả ba mặt hàng nhóm đậu tương đều đồng loạt suy yếu theo diễn biến chung của nhóm nông sản. Những số liệu trong báo cáo WASDE tháng 07 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là yếu tố đã gây sức ép đến giá.
Theo đó, số liệu xuất khẩu và ép dầu đậu tương trong niên vụ 22/23 của Mỹ đều bị cắt giảm so với dự đoán trước. Đây là nguyên nhân làm cho mức giảm tồn kho thực sự của niên vụ 22/23 không nghiêm trọng như dự đoán của thị trường. Bên cạnh đó, mức tăng nhẹ của số liệu tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 của Mỹ cũng đã là yếu tố đã tác động tiêu cực đến giá.
Bên cạnh đậu tương, phe bán cũng áp đảo trên bảng giá hai mặt hàng thành phẩm là khô đậu và dầu đậu. Dầu đậu là mặt hàng ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất cả nhóm với hơn 5% trong khi khô đậu đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ. Dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Argentina đã được điều chỉnh tăng lên mức 44 triệu tấn, từ mức 43,4 triệu tấn trong tháng trước và cũng cao hơn so với dự đoán trung bình của thị trường. Điều này nhiều khả năng sẽ giúp cho nguồn cung khô đậu cùng dầu đậu của Argentina được cải thiện và làm suy yếu giá của cả hai mặt hàng.
Giá ngô ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 năm
Giá ngô hợp đồng tháng 12 quay đầu giảm mạnh gần 7% sau 4 phiên tăng liên tiếp. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của ngô trong vòng 1 năm qua.
Trong báo cáo WASDE, diện tích gieo trồng tại Mỹ cao hơn được dự báo trong báo cáo Diện tích gieo trồng của USDA ngày 30/06 vừa qua đã kéo theo cho sản lượng ngô trong niên vụ 22/23 ước tính đạt 14.505 triệu giạ, cao hơn so với mức 14.460 triệu giạ trong báo cáo trước đó. Không chỉ vậy, tồn kho trên thế giới trong niên vụ 22/23 dự tính cũng tăng 2,5 triệu tấn lên mức 312,94 triệu tấn, cao hơn so với mức 310.49 triệu tấn trong dự đoán của thị trường. Những số liệu này cũng chính là nguyên nhân lý giải cho việc giá tiếp tục giảm hơn 20 cents ngay sau thời điểm báo cáo được công bố.
Ngoài ra, theo Hãng tư vấn nông nghiệp AgRural, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 tại Brazil đạt 40.5% diện tích dự kiến, nhanh hơn so với mức 30.7% trong tuần trước đó và 19.8% trong cùng kỳ năm ngoái. Tính đến tuần thứ 2 của tháng 7, trung bình mỗi ngày, xuất khẩu ngô đạt 158.890 tấn, cao hơn so với mức 90.500 tấn cùng kỳ năm ngoái. Con số này còn có thể được đẩy mạnh hơn nữa khi Brazil có thể bắt đầu xuất khẩu ngô sang Trung Quốc trước cuối năm nay sau đàm phán về giống biến đổi gen. Thông tin này cũng góp phần tạo áp lực lên giá ngô.
Tương tự với ngô, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 cũng tiếp tục duy trì đà giảm mạnh hơn 5%. Những thông tin tích cực về mùa vụ tại các nước xuất khẩu lớn trên thế giới là yếu tố gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Cụ thể, tại Nga, các quan chức ở khu vực phía nam Rostov cho hay năng suất lúa mì được thu hoạch tại đây cao hơn 0,1 – 0,2 tấn/héc-ta so với năm ngoái. Bên cạnh đó, sản lượng lúa mì tại Mỹ tiếp tục được USDA điều chỉnh tăng lên mức 1.781 triệu giạ trong báo cáo tháng 7, cao hơn so với mức 1.737 triệu giạ trong báo cáo trước đó. Triển vọng về nguồn cung được cải thiện đã gây áp lực đến giá trong phiên hôm qua.
Trên thị trường nội địa, giá heo hơi tiếp tục đà tăng mạnh từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao đã gây ra áp lực cho người nông dân, khiến nhiều hộ gia đình bỏ chuồng hoặc không thể tăng đàn, gây sức ép tới nguồn cung và đẩy giá heo tăng lên.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)