Theo Khối Quản lý Giao dịch của MXV, giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần vừa rồi đạt hơn 6.000 tỉ đồng mỗi phiên trong tuần qua, tăng gần 10% so với tuần trước đó. Trong đó, giá trị của riêng nhóm kim loại đã tăng gấp đôi, và chiếm gần 25% tổng giá trị giao dịch, chiếm tỷ trọng cao nhất kể từ khi các chỉ số này được công bố.
Vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý đang thất thế trước đồng bạc xanh
Chỉ số Dollar Index tiếp tục có tuần tăng thứ 6 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng gần 20 năm, là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá các mặt hàng niêm yết bằng đồng Dollar trong tuần vừa rồi. Mặc dù dòng tiền trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ có sự rút lui khỏi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, tiền điện tử, tuy nhiên vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý đang bị thất thế trước đồng bạc xanh, và các nhà đầu tư đang có xu hướng nắm giữ tiền mặt nhiều hơn.
Bên cạnh đấy, dòng tiền cũng được phân bổ bớt sang thị trường trái phiếu, sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, khiến cho thị trường này hấp dẫn hơn so với các tài sản không sinh lời như kim loại quý. Mức giảm mạnh gần 7% của mức lãi suất này là yếu tố giải thích hợp lý nhất cho sự sụt giảm hơn 6% của giá bạc trong tuần vừa qua, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Tư tiếp tục tăng cao hơn so với dự đoán của thị trường.
Cùng với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ được công bố tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự đoán, khiến cho các công ty phải tăng giá bán để “san sẻ” áp lực về chi phí. Đây sẽ là yếu tố tiềm ẩn đẩy áp lực lạm phát tiêu dùng tăng cao trong tương lai và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hơn nữa trong việc hạ nhiệt lạm phát.
Kim loại cơ bản lao dốc
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng trên Sở Comex giảm hơn 2% về gần 9.200 USD/tấn, còn giá quặng sắt lao dốc gần 8% về 127 USD/tấn. Không chỉ có đồng và quặng sắt, các mặt hàng kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt chịu sức ép bán trong bối cảnh đồng Dollar không ngừng mạnh lên, khiến cho chi phí nắm giữ cao hơn, và tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc ngày một phức tạp.
Triển vọng tiêu thụ của cả đồng và quặng sắt đều đang rất tiêu cực, trong bối cảnh các nhà chức trách Thượng Hải tiến hành thắt chặt các chính sách chống dịch đến cuối tháng Năm. Thủ đô Bắc Kinh hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa để chống dịch, và có thể làm trầm trọng hơn những gián đoạn trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Bất chấp các biện pháp trấn an của các nhà chức trách, tình hình dịch bệnh sẽ còn khiến cho các hoạt động sản xuất và xây dựng bị đình trệ thêm một thời gian nữa trước khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ xuất hiện hoặc có hiệu lực.
Lúa mì tăng vọt, dẫn đầu nhóm nông sản
Đóng cửa tuần vừa rồi, giá đậu tương đã hồi phục nhẹ 1,5% nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá dầu đậu tương và tồn kho đậu tương cuối niên vụ 21/22 của Mỹ tiếp tục giảm trong báo cáo Cung cầu Nông sản tháng 5 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Bên cạnh đấy, tồn kho đậu tương niên vụ 22/23 của Mỹ cũng thấp hơn so với dự đoán của thị trường, cũng góp phần hỗ trợ giá, cân bằng với các số liệu sản lượng và tồn kho của Brazil được điều chỉnh tăng từ báo cáo hàng tháng của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ nước này.
Trong khi đó, khô đậu đã ghi nhận tuần thứ 5 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ do áp lực trái chiều với dầu đậu. Theo dự đoán của USDA, sản lượng khô đậu niên vụ 22/23 của Mỹ được dự báo sẽ tăng lên 48,1 triệu tấn, cao hơn mức 47,05 triệu tấn trong năm nay.
Lúa mì là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong tuần vừa rồi, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho chỉ số MXV-Index Nông sản trái chiều với toàn bộ các nhóm hàng hóa khác.
Sản lượng lúa mì vụ đông của Mỹ trong năm nay dự kiến chỉ ở mức 31,9 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 33,7 triệu tấn của thị trường. Trong đó, riêng lúa mì Hard Red dự kiến giảm đến hơn 20% so với năm ngoái, đã giúp cho lúa mì Kansas bật tăng mạnh gần 10%.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)